Kỳ vọng xuất khẩu hàng nông-lâm-thủy sản

Nông-lâm-thủy sản vẫn là nhóm hàng được kỳ vọng nhất trong xuất khẩu năm nay với kim ngạch dự kiến đạt khoảng 12,4 tỷ USD.
Dù sẽ giảm chút ít, khoảng 6% so với năm ngoái, nhưng với mức kim ngạch dự kiến khoảng 12,4 tỷ USD trong năm nay, nông-lâm-thủy sản vẫn là một trong những nhóm hàng được kỳ vọng nhiều nhất trong bối cảnh xuất khẩu chung chưa thể lấy lại được phong độ.

Các quan chức của Bộ Công Thương nhận định, với năng lực sản xuất của ngành và đà tăng giá trên thị trường hiện nay, nhóm hàng này sẽ “gánh đỡ" cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước những tháng cuối năm nay.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 9 tháng đầu năm cho thấy, dù vẫn sụt giảm, nhưng xuất khẩu hàng nông-lâm-thủy đã có nhiều tín hiệu khả quan. Với hai điểm sáng tăng trưởng tiếp tục là gạo và chè, cùng với sự gia tăng đột biến của mặt hàng sắn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 11 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nhóm, gạo đã đạt tới con số trên 5 triệu tấn, tăng trên 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục đà sụt giảm so với tháng trước nên kim ngạch chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 6,4%. Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines với tỷ trọng trên 41%, tiếp đến là Malaysia với khoảng 10%. Hai thị trường này đều có sự tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị xuất khẩu.

Cũng phải kể đến mặt hàng chè, sản phẩm duy nhất có mức tăng liên tục cả về khối lượng và giá trị, cho dù kim ngạch không lớn. Theo thống kê 9 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu 97.000 tấn chè, mang về 126 triệu USD, tăng gần 24% về lượng và gần 14% về giá trị.

Cho dù vẫn sụt giảm kim ngạch, càphê cũng là mặt hàng đáng được ghi nhận với 893.000 tấn xuất khẩu trong 9 tháng và kim ngạch trên 1,3 tỷ USD, đứng thứ hai trong nhóm hàng nông sản, sau gạo. Với sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2008, Bỉ vươn lên là thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam với gần 14%, thay thế vị trí 11% của Đức.

Bên cạnh đó, cao su xuất khẩu đang được giá hơn, sau một thời gian dài giảm mạnh, do một số quốc gia xuất khẩu cao su lớn tuyên bố cắt giảm sản lượng và số lượng xuất khẩu, trong khi sản xuất cao su của Việt Nam vẫn đang đứng thứ 5 thế giới, chiếm khoảng 5,4% sản lượng toàn cầu. Trong 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu 489.000 tấn mủ cao su, đạt kim ngạch hơn 730 triệu USD.

Ngược với xu hướng suy giảm của các mặt hàng trên, sắn lại có sự tăng trưởng bất ngờ với hơn 470 triệu USD, gấp 2 lần so với năm ngoái. Điều này được lý giải là do nhu cầu thị trường tăng cao, không chỉ làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi mà còn để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Riêng nhóm hàng thủy sản, trong tổng kim ngạch 3 tỷ USD, tôm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 940 triệu USD, giảm chút ít so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài việc nhu cầu của các thị trường nhập khẩu có xu hướng tăng do kinh tế thế giới đang dần phục hồi, nhất là vào mùa Noel và Tết sắp tới, nhóm hàng này còn có nhiều thuận lợi về thị trường trong thời gian tới.

Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10 tới mở ra cơ hội lớn với quy định ưu đãi thuế cho 86% nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang nước này; trong đó, tôm sẽ được giảm xuống tới mức 1% - 2%.

Một tín hiệu tích cực khác là Tây Ban Nha - quốc gia tiêu thụ nhiều cá tra, cá basa nhất trong số các nước EU với lượng nhập khẩu mỗi năm ước tính khoảng 40.000 tấn - đã thông báo công nhận sản phẩm này của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu và quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục