Lạm phát của Thụy Điển lên mức cao nhất trong 30 năm

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 đã tăng 6,1% so với một năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,5% trong tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/1991.
Lạm phát của Thụy Điển lên mức cao nhất trong 30 năm ảnh 1Người dân đeo khẩu trang tại Stockholm, Thụy Điển. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo số liệu Cơ quan Thống kê quốc gia Thụy Điển công bố ngày 14/4, lạm phát của nước này trong tháng 3 đã lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ do giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 đã tăng 6,1% so với một năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,5% trong tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/1991. Nếu không tính lạm phát về chi phí năng lượng thì con số này chỉ ở mức 4,1%.

Theo Cơ quan Thống kê Thụy Điển, mặc dù giá thực phẩm và các đồ uống không cồn đều tăng, nhưng xu hướng giá điện và nhiên liệu tăng mạnh mới là nguyên nhân chính tác động đến lạm phát.

Mặc dù lạm phát tăng nhanh, song Riksbank - ngân hàng trung ương Thụy Điển - vẫn cố gắng không điều chỉnh lãi suất mạnh trong 3 năm tới, khi cho rằng xu hướng tăng giá này chỉ là tạm thời.

[Đánh giá triển vọng về kinh tế vĩ mô của Mỹ với nỗi lo lạm phát]

Theo thông báo của Riksbank vào tháng 2 vừa qua, lãi suất chiết khấu vẫn đang ở mức 0% và sẽ duy trì ở mức này cho đến nửa sau của năm 2024 để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Lãi suất chiết khấu là lãi suất mà ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay vốn.

Sau khi tỷ giá đồng krona giảm mạnh so với đồng euro trong quý I vừa qua, đồng nội tệ của Thụy Điển đã bắt đầu phục hồi và đang được giao dịch ở mức 9,7 krona đổi 1 euro.

Trong khi đó, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát trong tháng 3 đã lên mức kỷ lục là 7,5%. Ngân hàng trung ương châu Âu vẫn đang thận trọng theo dõi tình hình, trong khi một số ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu tăng lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục