Làm rõ những hạn chế để hành động quyết liệt

Chiều 27/10, các đại biểu Quốc  hội tập trung thảo luận về vấn đề phòng, chống lãng phí; vệ sinh thực phẩm và phát triển nông thôn.
Chiều 27/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII tập trung thảo luận về vấn đề phòng, chống lãng phí; vệ sinh an toàn thực phẩm và đầu tư cho phát triển nông thôn.

Lãng phí ở nhiều ngành

Đại biểu Hoàng Hữu Năng (Kon Tum) cho rằng lãng phí đang diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản mà chủ yếu ở xây dựng giao thông, làm đường, xây cầu, rất nhiều trường hợp không đồng bộ, không hoàn thành tiến độ cùng một lúc dẫn đến hiện tượng đường chờ cầu, cầu chờ đường, gây lãng phí lớn.

Có nhiều lý do của hiện tượng này như trên cùng tuyến đường có nhiều gói thầu, mỗi nhà thầu lại có năng lực khác nhau dẫn đến việc hoàn thành không cùng thời điểm, chậm đưa vào khai thác.

Lãng phí cho nghiên cứu khoa học cũng rất lớn, đại biểu đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải thống kê, xem xét trong năm 5 năm gần đây, kinh phí cho nghiên cứu khoa học là bao nhiêu? Bao nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tế? Bao nhiêu đề tài hiệu quả? Bao nhiêu đề tài vẫn "ở trong tủ"?

Từ những dẫn chứng cụ thể, đại biểu Hữu Năng kiến nghị để chống lãng phí, trong đầu tư cơ bản phải đồng bộ, phải chọn những nhà thầu có năng lực. Trong nghiên cứu khoa học, trừ các đề tài chiến lược, phục vụ an ninh, quốc phòng, đề tài cấp nhà nước còn lại các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở, cấp tỉnh chỉ tiến hành nghiên cứu khi có đơn đặt hàng và tiền do chủ hàng thanh toán theo chất lượng.

Cần quan tâm tới công tác chống lãng phí, coi công tác này là một trong những giải pháp để góp phần chống suy giảm và phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo an sinh xã hội - đại biểu Năng nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến thảo luận đều cho rằng cần phải làm tốt công tác phòng chống lãng phí, thất thoát bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần thực hiện hiệu quả những mục tiêu đặt ra trong những năm tiếp theo.

Cần có chế tài mạnh về vệ sinh an toàn thực phẩm

Đề cập vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần mạnh tay với thực phẩm "bẩn".

Đại biểu đặt câu hỏi: Có phải Việt Nam là nơi xả hàng đông lạnh kém chất lượng, tồn kho của nhiều nước? Tại sao các lô hàng kém chất lượng này không bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu, nhập khẩu trót lọt vào thị trường nội địa mà không bị phát hiện?

Năm 2007, cả nước chỉ nhập 44.178 tấn thịt đông lạnh. Năm 2008, tăng 119.130 tấn và 6 tháng đầu năm 2009 là 52.206 tấn. Hiện nay có trên 5.000 tấn thịt đông lạnh không đủ giấy tờ chứng minh hàng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đang nằm tại cảng mà không có người đến nhận - đại biểu dẫn chứng.

Đại biểu Út đề nghị Chính phủ cần thực thi các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; Quốc hội cần sớm ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật an toàn thực phẩm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An) đề nghị quan tâm chặt chẽ đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; cần có chế tài nghiêm khắc, phạt các tổ chức, cá nhân nhập khẩu và tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng vào Việt Nam.

Quan tâm phát triển nông nghiệp-nông thôn

Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) cho biết qua tiếp xúc cử tri vẫn còn những băn khoăn trước việc nông dân chưa được tiếp cận nhiều với gói kích cầu của Chính phủ; vấn đề gian lận thương mãi vẫn tồn tại, phân bón, thuốc trừ sâu giả còn nhiều...

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp thiết thực để nông nghiệp, nông thôn, nông dân được tiếp cận thuận lợi tới các nguồn vốn; cần có chính sách ưu đãi, quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng, thủy lợi, điện, giống cây trồng vật nuôi...

Tán thành với ý kiến này, đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) nêu hiện trạng Việt Nam hơn 70% số dân sống dựa vào nông nghiệp nhưng Nhà nước mới chỉ đầu tư cho nông nghiệp 10% tổng vốn đầu tư.

Đại biểu cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tập trung giải quyết mang tính cơ chế và chính sách cho nông nghiệp, nông thôn phát triển trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Trước mắt, Nhà nước cần tập trung đầu tư rà soát bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp; thực hiện dồn điền, đổi thửa, đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất; kiếm soát giá và chất lượng phân bón...

Cũng về vấn đề này, đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An) đề nghị Chính phủ cần có Chiến lược trung hạn, dài hạn về nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân để họ có thể sơ chế và dự trữ hàng nông sản, chủ động một phần về giá bán hàng hóa, có vốn để tái sản xuất trong khi dự trữ hàng hóa.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị trong các giải pháp về tái cấu trúc nền kinh tế, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề cần phải sắp xếp để đảm bảo bố trí ngân sách có hiệu quả và kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục