Lần đầu tiên nhạc truyền thống Việt Nam hòa cùng vũ điệu Ghana

Trong chương trình biểu diễn đa phương tiện “Heave/Phập phồng,” lần đầu tiên những giai điệu mang bản sắc âm nhạc Việt Nam sẽ đối thoại cùng vũ điệu cuồng nhiệt của Ghana, quốc gia ở vùng Tây Phi.
Các nghệ sỹ múa tập luyện cho đêm diễn "Phập phồng." (Ảnh: BTC)
Các nghệ sỹ múa tập luyện cho đêm diễn "Phập phồng." (Ảnh: BTC)

Từ Accra, thủ đô của đất nước Ghana xa xôi, nghệ sỹ nhạc điện tử Lương Huệ Trinh chia sẻ với VietnamPlus rằng chị sắp có một buổi biểu diễn hết sức đặc biệt cùng các nghệ sỹ bản địa ở đây.

Trong “Heave/Phập phồng,” một số chất liệu âm thanh trong đời sống hàng ngày và hình thức diễn xướng chầu văn trong tín ngưỡng Thờ Mẫu của Việt Nam sẽ hòa quyện cùng các bài hát trong tín ngưỡng dân gian và âm thanh đường phố ở Accra.

Đây là lần đầu tiên một nghệ sỹ âm nhạc Việt Nam giao lưu nghệ thuật cùng các nghệ sỹ tại Ghana. Chương trình sẽ được livestream vào lúc 20h ngày 29/5 (giờ Ghana), tức 3h ngày 30/5 (giờ Việt Nam). Khán giả có thể xem trên Facebook, YouTube và Instagram của Ban tổ chức - Alliance Française Accra (cơ quan quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp tại Ghana).

Nghệ thuật phản ánh cuộc sống

Ý tưởng của chương trình biểu diễn đa văn hóa này bắt nguồn từ Giám đốc Alliance Française Accra, ông Emmanuel Labrande.

Trong thời gian làm Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, ông Emmanuel Labrande đã từng có nhiều dịp hợp tác với Lương Huệ Trinh, một trong những nghệ sỹ âm nhạc điện tử acoustic nổi bật của nền âm nhạc đương đại Việt Nam.

Lần đầu tiên nhạc truyền thống Việt Nam hòa cùng vũ điệu Ghana ảnh 1Nghệ sỹ nhạc điện tử Lương Huệ Trinh sẽ biểu diễn cùng các nghệ sỹ Ghana. (Ảnh: NVCC)

Lẽ ra “Heave/Phập phồng” sẽ diễn ra trong khuôn khổ Festival Âm nhạc và Múa tại Accra trong năm nay nhưng vì dịch bệnh nên Festival không thể thực hiện như dự kiến. Tuy nhiên, Alliance Française Accra vẫn quyết định sản xuất chương trình này và phát sóng trực tuyến.  

“Việc phát sóng trực tuyến sẽ giúp nhiều người ở khắp nơi trên thế giới được thưởng thức nghệ thuật,” nghệ sỹ Lương Huệ Trinh nói.

Trong suốt một năm rưỡi kể từ khi đặt chân đến thủ đô Accra, Lương Huệ Trinh đã không ngừng kết nối với các nghệ sỹ bản địa để chuẩn bị cho sự hợp tác này.

“Heave” biểu thị một loại sóng âm thanh cơ bản trong âm nhạc. Đó cũng là chuyển động của cơ thể mỗi khi chúng ta hít thở, đồng thời thuật ngữ này cũng được sử dụng trong một số chuyển động trong nghệ thuật múa.

Chủ đề của chương trình được tạo ra từ sự quan sát của nghệ sỹ Huệ Trinh, khi người dân ở nhiều nơi trên thế giới cảm thấy ngay cả việc thở cũng trở nên khó khăn bởi ô nhiễm, bạo lực, stress và bệnh dịch. Thực tế là gần đây, rất nhiều người đã chết vì thiếu oxy để thở. Thông qua chương trình, các nghệ sỹ đặt ra câu hỏi rằng con người có thể làm gì để lấy lại nhịp thở bình thường.

Với nghệ sỹ Lương Huệ Trinh, thở là biểu hiện của sự tồn tại và tất thảy những thứ ô nhiễm kia đều có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại và cả sự thở của mỗi cá nhân.

Khi dịch bệnh bùng phát, chị theo dõi thông tin về tình hình ở Ấn Độ và cảm thấy bị ám ảnh. “Khi COVID-19 tấn công xã hội thì chúng ta càng nhận thức rõ hơn về việc thở, về sự nguy hiểm khi thiếu oxy,” nghệ sỹ nói thêm. 

[Nhạc điện tử hòa quyện trống tuồng trong 'Thán' của Nguyễn Duy Thành]

Biên đạo múa Sena Atsugah, người cộng tác với Lương Huệ Trinh rất tâm đắc với chủ đề của chương trình, bởi nó phản ánh chân thực cuộc sống hiện nay.

Lần đầu tiên nhạc truyền thống Việt Nam hòa cùng vũ điệu Ghana ảnh 2Biên đạo múa Sena Atsugah. (Ảnh: NVCC)

“Các hoạt động của con người đã tàn phá môi trường. Thông qua âm nhạc, vũ đạo, video và thơ ca, chương trình sẽ nêu bật tác động của con người đối với môi trường tự nhiên. Từ đó kêu gọi mọi người thay đổi cách sống để có một môi trường an toàn và thân thiện,” Sena chia sẻ.

Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, chị Sena mong mọi người sẽ thay đổi hành vi cá nhân để sống có ích hơn cho sự phát triển của cộng đồng.

Kết nối văn hóa Việt Nam-Ghana

Từ ý tưởng đó, nghệ sỹ Lương Huệ Trinh đã bàn bạc với biên đạo múa Sena Atsugah để đưa những chuyển động của cơ thể cũng như âm thanh của việc thở lên sân khấu.

“Trong khi sáng tác và tập luyện, chúng tôi cũng đã trải nghiệm việc không đủ oxy trong một khoảng thời gian nhất định. Thậm chí tôi còn phải đi bệnh viện kiểm tra vì cơ bụng quá đau sau khi hít thở ở các trạng thái khác nhau trong lúc quay video cho chương trình,” nghệ sỹ cho biết.

Khi sáng tác, Lương Huệ Trinh luôn khai thác chất liệu trong âm nhạc truyền thống Việt Nam và vận dụng một cách sáng tạo. Lần này cũng vậy, qua những tìm hiểu nhất định về âm nhạc truyền thống Ghana và một số cuộc tế lễ thần linh, chị quyết định đưa vào “Phập phồng” một phần màu sắc trong văn hóa tín ngưỡng dân gian và chất liệu trong đời sống hàng ngày ở cả hai nước như một sự đối thoại.

Với Ghana, chị đưa vào phần trình diễn yếu tố âm nhạc khi mời thần sấm và các điệu múa dân gian trong nghi lễ bởi đời sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Còn từ Việt Nam, Trinh sử dụng một số chất liệu trong tín ngưỡng Thờ Mẫu, chính là hát chầu văn trong hầu đồng cùng với hình ảnh chuyển động của thanh đồng trong các giá chầu.

Bên cạnh đó, âm nhạc truyền thống Việt Nam còn được chuyển tải qua âm sắc của cây đàn tranh trong đờn ca tài tử. Không những thế, các âm thanh trong cuộc sống hàng ngày ở Accra và Hà Nội cũng được nữ nghệ sỹ thu âm lại để đưa vào tác phẩm, chẳng hạn như tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng xe cộ và tiếng người trò chuyện ở con ngõ nhỏ nơi bố mẹ Trinh đang sinh sống. Cả bài đồng dao quen thuộc của trẻ em cũng được sử dụng trong các sáng tác của cô. Tương tự như vậy, Trinh cũng sử dụng các âm thanh đường phố ở Accra.

Biên đạo múa Sena Atsugah cho biết Lương Huệ Trinh là nhạc sỹ Việt Nam đầu tiên mà chị hợp tác.

“Điều này khiến tôi rất phấn khích và cũng có phần lo lắng. Trinh đã hòa mình vào nền văn hóa Ghana, do đó tôi thấy rất hào hứng và trân trọng khi được làm việc cùng cô ấy. Mong rằng tôi có thể góp phần lan tỏa ý nghĩa của chương trình,” Sena chia sẻ.

Các nghệ sỹ đều hy vọng khán giả Việt Nam sẽ thích thú với âm nhạc cùng dòng múa đương đại Châu Phi ở Ghana và ngược lại. Qua đó, mối quan hệ của hai nền văn hóa cách xa về mặt địa lý sẽ phần nào trở nên gần gũi hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục