Lần đầu tiên trình diễn ánh sáng tại lễ hội truyền thống

Lần đầu tiên, việc trình diễn ánh sáng sẽ được thực hiện tại một lễ hội truyền thống ở Việt Nam: lễ hội đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

“Lần đầu tiên, việc trình diễn ánh sáng sẽ được thực hiện tại một lễ hội truyền thống ở Việt Nam - lễ hội đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, được tổ chức tại thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.”

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khẳng định như vậy trong buổi họp báo sáng 20/3 tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Năm nay, lễ hội đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân sẽ diễn ra từ ngày 3/4-6/4 (tức từ ngày mồng 3-6 tháng Ba năm Giáp Ngọ). Lễ hội do Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai (Hà Nội) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.

Thông tin từ ban tổ chức cho hay, lễ hội năm nay sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn và có nhiều điểm mới so với những năm trước: phục dựng các nghi lễ truyền thống kết hợp với việc đưa vào không gian lễ hội những yếu tố văn hóa đương đại.

Theo đó, lễ hội sẽ bao gồm một số hoạt động chính như: phục dựng lễ rước thần, lệ cúng bò; làm lễ dâng hương Quốc tổ Lạc Long Quân; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống…

Bên cạnh đó, việc trình diễn ánh sáng bằng công nghệ hiện đại và trình diễn nghệ thuật thư pháp với sự tham gia của nhóm nghệ sỹ thư pháp Tiền Vệ được coi là điểm nhấn của lễ hội năm nay.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Thắng, chương trình trình diễn ánh sáng sẽ do các kỹ thuật viên của công ty Lê Bros thực hiện.

Toàn bộ phần trình diễn này sẽ được thiết kế thành ba chương: Chương một có tên gọi “Những ngôi đền và những vị thần bất tử trên thế giới,” chương hai mang tên “Thủy cung” và chương ba sẽ giúp công chúng hình dung về “Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân theo chiều lịch sử.”

Trước ý kiến lo ngại rằng, việc đưa các yếu tố đương đại một lễ hội cổ truyền sẽ làm hỏng không gian, mất đi tính truyền thống của lễ hội, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Thắng bày tỏ: “Hiện nay, đối với các lễ hội, chúng ta có ba mô hình bảo tồn cơ bản: bảo tồn y nguyên, bảo tồm có chọn lọc và bảo tồn gắn với phát triển. Ở đây, chúng tôi thực hiện theo mô hình thứ ba.”

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Bùi Quang Thắng chia sẻ, mô hình bảo tồn này cho phép đảm bảo vừa tôn vinh những giá trị văn hóa cổ truyền vừa dung hòa được các yếu tố văn hóa đương đại để thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

“Lễ hội vốn có chức năng là giáo dục truyền thống. Thế nhưng, khi giới trẻ không tham gia, hứng thú với những lễ hội đó thì câu hỏi đặt ra là những lễ hội này sẽ giáo dục ai?” vị chuyên gia này phân tích.

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Thắng khẳng định: “Kịch bản chương trình với những yếu tố văn hóa-nghệ thuật đương đại sẽ không phá vỡ giá trị truyền thống cốt lõi của lễ hội”./.

Ông Nguyễn Huy Diệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cho hay, từ lâu nay, nhân dân vẫn lưu truyền câu chuyện rằng: Quốc tổ Lạc Long Quân kết duyên cùng Quốc mẫu Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành 100 người con. Khi trưởng thành, 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển.

Tương truyền, Quốc tổ Lạc Long Quân mất tại Bình Đà và mộ của ngài được đặt tại Ba Gò (hay còn gọi là gò Tam Thai).

“Từ xa xưa, nhân dân nơi đây đã lập đền để thờ tự ngài tại Bình Đà - đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân,” ông Diệp cho biết.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục