Làn sóng lây nhiễm Omicron ở Singapore đạt đỉnh, Australia cảnh báo

Bộ trưởng Y tế Singapore cho biết làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron ở nước này đã lên đến đỉnh, trong khi bang New South Wales (NSW), Australia cảnh báo số ca nhiễm có thể tăng gấp đôi.
Làn sóng lây nhiễm Omicron ở Singapore đạt đỉnh, Australia cảnh báo ảnh 1Người dân Singapore đeo khẩu trang khi đi trên đường phố. (Nguồn: channelnewsasia)

Ngày 9/3, phát biểu trước Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết hiện có những dấu hiệu khả quan cho thấy làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra hiện nay ở Singapore đã lên đến đỉnh điểm và số ca mắc mới đang bắt đầu giảm dần.

Ngày 8/3, đã có 1.499 bệnh nhân mắc COVID-19 đã phải nhập viện, trong đó 190 bệnh nhân cần thở oxy, 49 người cần chăm sóc đặc biệt (ICU) và 15 người tử vong. Số ca mắc mới là khoảng 22.000 người, so với khoảng 26.000 người hai tuần trước đó.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Janil Puthucheary, Bộ trưởng cấp cao về y tế Singapore, cho biết các phòng khám đa khoa, bệnh viện và nhân viên y tế vẫn đang phải chịu áp lực do làn sóng Omicron gây ra. Phần lớn áp lực này đến từ những người vẫn chưa được tiêm chủng.

Ông cho biết thêm, 3% dân số trưởng thành của Singapore không tiêm chủng đầy đủ, chiếm 25% các trường hợp phải điều trị ICU và tử vong, trong khi những người đã được tiêm mũi vaccine tăng cường có nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn 33 lần so với những người không được tiêm chủng đầy đủ.

Do vậy, Singapore vẫn tiếp tục áp dụng Các biện pháp quản lý an toàn phân biệt về tình trạng tiêm chủng (VDS) để bảo vệ nhóm người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đồng thời cho phép những người còn lại nối lại các hoạt động kinh tế và xã hội nhiều hơn.

[Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao kỷ lục]

Bên cạnh đó, để sẵn sàng đối phó với số ca ICU tăng đột biến, Bộ Y tế Singapore tiếp tục tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị và vật tư tiêu hao để nâng cấp đáng kể các giường ICU.

Kể từ tháng 1/2022, hơn 800 y tá không thuộc đơn vị ICU đã được đào tạo như một nguồn dự trữ nhằm tăng thêm nhân lực điều dưỡng của ICU lên tới 57%. 

Mặc dù nguồn lực này có thể cho phép các bệnh viện tạm thời tăng công suất ICU, nhưng theo đánh giá của Tiến sỹ Koh Poh Koon, điều đó là không cần thiết vì số bệnh nhân bị nhiễm biến thể Omicron cần được chăm sóc ICU chỉ chiếm một phần nhỏ so với số bệnh nhân đã bị nhiễm biến thể Delta.

Tuy nhiên, ông đảm bảo rằng Bộ Y tế Singapore sẽ tiếp tục đưa ra các kế hoạch dự phòng trong tình huống khẩn cấp vì đại dịch đã cho thấy mức độ diễn biến khó lường.

Trong khi đó, giới chức y tế bang New South Wales (NSW), Australia, cảnh báo số ca mắc COVID-19 ở bang này có thể tăng gấp đôi trong vòng vài tuần tới do một biến thể phụ của chủng Omicron (còn gọi là "Omicron tàng hình") lây lan nhanh.

Ngày 10/3, Bộ trưởng Y tế bang NSW Brad Hazzard dẫn số liệu sơ bộ từ Đại học NSW cho thấy số ca mắc COVID-19 có thể "tăng hơn gấp đôi" trong vòng sáu tuần.

Ông cho biết biến thể phụ BA.2 của Omicron, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn so với dòng BA.1, đang trở thành biến thể Omicron phổ biến nhất trong cộng đồng.

Biến thể phụ BA.2 mới được biết đến ở Australia từ cuối tháng 1/2022 nhưng ông Hazzard bày tỏ lo ngại biến thể này đã lây lan rộng tại bang đông dân nhất Australia và đang gây ra số ca mắc mới nhiều hơn cả BA.1.

Để ứng phó với biến thể phụ mới của Omiron, ông kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm liều vaccine tăng cường khi tỷ lệ tiêm liều vaccine này mới chỉ ở mức khoảng 60%.

Ngày 10/3, bang NSW ghi nhận 16.288 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với gần 9.000 ca được ghi nhận vào hôm 6/3, dù con số này đã giảm rất nhiều so với đỉnh dịch hồi đầu năm.

Tại bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia, số ca mắc COVID-19 mới theo ngày là 7.779 ca, tăng so với con số hơn 5.000 ca vào cuối tuần qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục