Mới 5 giờ sáng 12/10, trên con đường dẫn về làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, dòng người, xe nối tiếp, lặng lẽ, trang nghiêm, xếp hàng ngoài cổng để được vào viếng, thắp nén tâm hương lên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tưởng nhớ, tri ân và khắc sâu công đức, hình ảnh vị Đại tướng tài năng, đức độ. Hơn 5 giờ sáng, Lễ phát tang theo nghi thức địa phương được người thân trong dòng tộc, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá thực hiện trong dạt dào nước mắt và niềm tiếc thương nghẹn ngào. Đúng 7 giờ 30, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu và đoàn người đến viếng xúc động tưởng nhớ hình ảnh thân quen, gần gũi và kính yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với lòng thành kính, ông Phạm Hữu Thảo, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy, Trưởng Ban tổ chức Lễ viếng tại nhà Đại tướng ở làng An Xá đã thay mặt Đảng bộ và toàn thể đồng bào, đồng chí trong huyện, thành kính gửi đến toàn thể gia quyến Đại tướng lời chia buồn sâu sắc nhất; nguyện đoàn kết một lòng, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương của Đại tướng; mãi mãi khắc sâu và thực hiện những lời căn dặn tâm huyết của Đại tướng, xây dựng Đảng bộ huyện thành Đảng bộ gương mẫu, xây dựng huyện Lệ Thủy thành huyện gương mẫu, như lúc còn sống Đại tướng Võ Nguyên Giáp hằng mong muốn. Cụ Võ Văn Hoài (thành phố Hà Nội) vừa dẫn đoàn Việt kiều từ Thái Lan về tới Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, liền chít khăn tang, nghẹn ngào tâm sự: "Tôi và 7 anh em Việt kiều trong đoàn đều là cháu trong họ, gọi bác Giáp bằng ông. Nghe tin Đại tướng từ trần, chúng tôi về đây để chịu tang ông. Nhớ lời Đại tướng căn dặn, dù công tác, sinh sống ở đâu, chúng tôi vẫn luôn một lòng hướng về quê hương." Dòng người lặng lẽ tiếp bước nhau, kính cẩn vào viếng, thắp những nén tâm hương lên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong dòng người đông đúc ấy, chúng tôi bắt gặp cựu pháo binh Ngư Thủy Nguyễn Thị Huệ (62 tuổi) trong bộ quân phục xanh hòa bình, nước mắt cô cứ lăn dài trên gò má đã xám màu sương gió, thời gian. Cô Huệ khóc, 10 cô gái pháo binh Ngư Thủy năm xưa cũng òa lên khóc nức nở. Cô Huệ nghẹn ngào: "Điều quý giá nhất trong cuộc đời tôi là đã vinh dự 3 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần nào cũng thế, bác Giáp cầm tay, ân cần hỏi thăm và dặn dò chúng tôi. Bác Giáp đã đi rồi, vậy là vĩnh viễn chúng tôi không còn được gặp, được trông thấy và được bác cầm tay để nghe những lời dặn dò của Bác nữa…” Cô òa khóc nức nở khiến những người có mặt cũng không cầm được nước mắt. Ông Nguyễn Thoan, người dân tộc Bru-Vân Kiều, ở xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) xúc động nói: “Bác ơi, chúng con từ núi rừng xa xôi về đây viếng bác. Thương nhớ bác lắm, bác ơi. Khi còn sống, lúc nào bác cũng dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào chúng con. Chúng con sẽ cố gắng sống, lao động và học tập thật tốt để không phụ những lời căn dặn của bác."
Các cháu thiếu nhi ở làng An Xá viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Lặng lẽ tìm đến cây khế sau vườn Nhà lưu niệm Đại tướng - vật chứng về những lần Đại tướng về thăm nhà đầy ắp kỷ niệm, ông Thoan khóc như một đứa trẻ, niềm tiếc thương về vị Đại tướng vô vàn yêu quý dường như không thể giấu nổi. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một mất mát lớn với toàn thể dân tộc Việt Nam và bạn bè trên thế giới. Tại Nhà lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, dòng người vẫn nối dài, kính cẩn và lặng lẽ chờ đến lượt mình được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cả tấm lòng tưởng nhớ và biết ơn. Ban Tổ chức lễ tang tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết đến thời điểm này đã có hơn 1.560 đoàn khách, với hơn 10.000 người từ mọi miền đất nước về đây dâng hương, hoa tiễn biệt Đại tướng. Riêng ngày 12/10, đến 9 giờ 30 đã có gần 40 đoàn đại biểu các cơ quan, ban, ngành, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến viếng và thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.
Võ Dung (TTXVN)