Lắng nghe - rào chắn bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy

“Lắng nghe trước hết-Lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên là bước đầu tiên để bảo vệ một quá trình trưởng thành an toàn và khỏe mạnh” là chủ đề chính của Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy năm 2018.
Lắng nghe - rào chắn bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy ảnh 1Cảnh sát Colombia gác bên số cocain bị thu giữ tại Buenaventura ngày 10/8/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Lắng nghe trước hết-Lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên là bước đầu tiên để bảo vệ một quá trình trưởng thành an toàn và khỏe mạnh” là chủ đề chính của Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy năm 2018, được Liên hợp quốc ấn định vào ngày 26/6 hằng năm kể từ năm 1987.

Chủ đề năm nay phản ánh một thực tế đáng lo ngại là trong những năm gần đây, đối tượng sử dụng ma túy và chất gây nghiện ngày càng trẻ hóa.

Thời niên thiếu là giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng song cũng dễ bị ảnh hưởng từ nhân tố bên ngoài và hình thành nên các thói quen độc hại như sử dụng chất gây nghiện, đồ uống có cồn và thuốc lá. Trẻ em tiếp xúc với chất gây nghiện ở độ tuổi càng sớm thì càng có nguy cơ cao trở nên phụ thuộc vào loại chất độc hại này khi trưởng thành.

Nguy hiểm hơn, cứ trong 10 em tiếp xúc với chất gây nghiện sẽ có ít nhất 1 trường hợp chịu tác động ngay lập tức hoặc dài hạn về thể chất hoặc tinh thần.

Không ít đối tượng sử dụng chất gây nghiện lâu ngày đã trở thành bệnh nhân tâm thần. Ma túy và chất gây nghiện còn để lại những hậu quả vô cùng tàn tệ cho sức khỏe người nghiện...

Khi sử dụng nhiều và thường xuyên, người nghiện có nhiều thay đổi bất thường về quy luật sinh hoạt và làm việc theo chiều hướng xấu, như thay đổi tính nết hành vi theo hướng tiêu cực, hay cáu gắt, cục tính, hay quên, nói lắp, mạch tư duy lộn xộn hay lẫn lộn giữa hiện tại, quá khứ và tương lai hoặc bị cuốn quá sâu vào một việc cụ thể nào đó như: tháo lắp sửa chữa đồ đạc, nghe nhạc chơi game...

Người nghiện sẽ bị loạn thần với các biểu hiện như nhiều ảo thị (sinh động, nhiều màu sắc, cấp diễn và ảo thanh), xuất hiện các ảo giác, các hoang tưởng, tâm thần bất ổn từ đó có thể dẫn đến các hành vi tội ác và bạo lực, gây nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội.

Lắng nghe - rào chắn bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy ảnh 2Cơ quan phòng chống ma túy Paraguay trưng bày số ma túy thu giữ tại Loreto, cách Asuncion 500km về phía bắc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trên thực tế, việc sử dụng chất gây nghiện ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng trở nên khó kiểm soát và khó lường. Tại các nước đang phát triển, nguyên nhân do chất gây nghiện đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều biến thể như ma túy tổng hợp hay các chất hướng thần mới như “ma túy đá," "cần sa tổng hợp," "thuốc lắc"... và trở nên phổ biến trong cộng đồng thanh thiếu niên.

Trong khi đó, các nước phát triển đối mặt với nguy cơ lạm dụng, có hoặc không chủ đích, các loại thuốc y tế có thành phần chất gây nghiện như thuốc giảm đau hay thần kinh.

Truyền thông Anh từng phản ánh một bộ phận đông học sinh nước này đổ xô dùng các loại thuốc bổ não được gọi là "thuốc thông minh" với hy vọng có thể vượt qua các kỳ thi khó khăn.

Những loại thuốc có thể dễ dàng mua trên mạng này chứa nhóm chất gây nghiện amphetamine, thực tế không làm cho con người thông minh hơn mà chỉ kích thích thần kinh khiến đầu óc tỉnh táo trong một khoảng thời gian ngắn.

Một số người dùng mô tả cảm giác sử dụng các loại thuốc này khiến họ thấy mạnh mẽ giống như được bơm "nhiên liệu của máy bay phản lực" và sau đó dần dần trở nên phụ thuộc, không thể thiếu thuốc.

Trong khi đó, tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát chất độc nước này tiếp nhận hơn 11.200 cuộc gọi liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với buprenorphine, một loại thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2016. Trong số đó, 86% là ở trẻ em dưới 6 tuổi; 89% do bất cẩn. Tỷ lệ thanh thiếu niên bị nghiện buprenorphine chỉ chiếm 11%, song trong số này có tới 77% là do có chủ ý (chủ yếu với mục đích tự tử).

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi tình trạng nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ là “nỗi ô nhục quốc gia," đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe cộng đồng do nạn lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện này gây ra ở Mỹ.

Nguyên nhân đầu tiên, quan trọng dẫn đến các thanh, thiếu niên lạm dụng chất gây nghiện, là do thiếu sự quan tâm của gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, thiếu giáo dục và quan trọng hơn là không "lắng nghe" tầng lớp thanh thiếu niên.

Mặt khác, đó còn do sự tò mò, đua đòi của một bộ phận thế hệ trẻ. Không ít thanh, thiếu niên hiện nay vẫn còn rất mơ hồ về sự nguy hại của ma túy và các chất hướng thần, coi đó đơn thuần chỉ là các chất kích thích, có thể dùng chúng như một trò chơi, nên đã mắc nghiện.

Từ thực tế đáng lo ngại đó, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước làn sóng tấn công của các loại chất gây nghiện như ma túy tổng hợp hay các chất hướng thần trở thành một nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chủ đề “Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” chính là muốn nhắc nhở về nguy cơ của thảm họa chất gây nghiện đã trở thành vấn đề nhức nhối đang hiện hữu ở nhiều nước trên thế giới. Và theo Liên hợp quốc, lắng nghe, quan tâm đến đời sống của trẻ em và thanh thiếu niên chính là chìa khóa để đẩy lùi hiểm họa này.

Iceland chính là một mô hình thành công của hướng tiếp cận trên. Tại quốc gia Bắc Âu này, chỉ 5% thanh thiếu niên từ 14-16 tuổi uống rượu ít nhất 1 lần/tháng, chỉ có 3% thanh niên hút thuốc hằng ngày và 7% sử dụng cần sa ít nhất 1 lần/tháng.

Trong khi đó, theo UNICEF, tỷ lệ trung bình tương ứng của các nước châu Âu là 47%, 13% và 7%; và ở Mỹ Latinh, 35% thanh niên từ 13-15 tuổi uống rượu hằng tháng và khoảng 17% hút thuốc hằng ngày.

Tuy nhiên, hơn 20 năm trước, Iceland từng một trong những quốc gia châu Âu với tỷ lệ nghiện rượu và thuốc lá rất cao trong giới trẻ. Để giải quyết tình trạng này, từ năm 1998, quốc gia Bắc Âu đã thực hiện chương trình vận động thanh niên nhằm giảm tỷ lệ nghiện ngập trong giới trẻ mang tên “Dự án Thanh niên Iceland."

Nghiên cứu thường xuyên về tập quán và mối quan tâm của thanh thiếu niên là những điểm chính trong sáng kiến trên. “Dự án Thanh niên Iceland” đã mở các cuộc khảo sát định kỳ mỗi 2 tháng trong thanh thiếu niên ở tất cả các trường học trong nước, thu thập số liệu về các mối quan hệ, mô hình tiêu thụ chất gây nghiện, đặc điểm gia đình, tần suất trốn học...

Các vấn đề tình cảm của trẻ vị thành niên được thu thập và báo cáo cho từng trường và khu vực. Sau đó, các trường học, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương cùng phân tích các báo cáo nhằm xác định những nguy cơ tiềm ẩn để chống lại nạn nghiện rượu và ma túy trong giới trẻ.

[Infographics] Thống kê đáng lo ngại về số người nghiện ma túy

Bên cạnh đó, Iceland còn đưa ra một phương án tiếp cận tích cực hơn khi cho rằng những người chịu trách nhiệm trong việc trẻ em và thanh thiếu niên nghiện ngập là người lớn. Người lớn có trách nhiệm tạo ra một môi trường nơi trẻ em cảm thấy thoải mái và có thể tự lựa chọn để lấp thời gian rỗi với những hoạt động tích cực, qua đó giảm khả năng sử dụng các chất gây nghiện.

Chính phủ Iceland đã tăng kinh phí cho các hoạt động của thanh thiếu niên trong lĩnh vực thể thao, âm nhạc, nhà hát và khiêu vũ. Đồng thời, từ năm 2002, Iceland đã cấm trẻ em dưới 12 tuổi ở ngoài đường phố một mình sau 8 giờ tối và thanh thiếu niên từ 13-16 tuổi sau 10 giờ tối.

Thành công ở Iceland dẫn đến chương trình "Thanh niên châu Âu" từ năm 2006 nhằm mở rộng phương pháp giáo dục thanh thiếu niên của nước Bắc Âu này.

Tới nay, đã có hơn 30 thành phố châu Âu tham gia dự án trên, trong đó đáng chú ý nhất là thành phố Tarragona, Tây Ban Nha, với hơn 2.500 thanh thiếu niên đã tự nguyện trả lời các câu hỏi khảo sát và tham gia chương trình loại bỏ rượu và chất gây nghiện từ năm 2015.

Lắng nghe để tìm hiểu nguyên nhân và để điều trị tận gốc “căn bệnh” sử dụng chất gây nghiện và ma túy ở giới trẻ. Một sáng kiến giản đơn song nếu áp dụng có phương pháp và hệ thống sẽ có sức mạnh ngăn chặn nạn sử dụng ma túy và các chất gây nghiện ở trẻ em và thanh thiếu niên, từ đó tạo ra tác động tích cực tới gia đình và cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục