Lặng nghe sắc xuân về trong nhà Việt ở London

Với người London, sau Giáng Sinh mọi người dễ stress vì trời ảm đạm nhưng với người Việt là thời khắc sắc xuân về mỗi gia đình ở đây.
Thời tiết tại London những ngày giáp Tết Canh Dần thật kỳ lạ bởi hiếm khi vào tháng 2 bạn nghĩ mình có thể đắm mình dưới ánh nắng mặt trời trong một vài tiếng như tiết trời cuối thu, sau đấy trời bỗng chuyển sang lạnh buốt, tuyết rơi lất phất như rắc hoa trên mặt phố và chỉ đến 15 giờ trời đã chạng vạng tối, mưa lạnh u ám, kéo theo cảm giác buồn bã, day dứt.

Đối với người dân London, thời gian sau Giáng Sinh và Tết dương lịch - thời gian "thê lương" nhất, mọi người dễ bị stress nhất do thời tiết ảm đạm, mưa rét mang lại; nhưng đối với cộng đồng người Việt tại London, đây là thời khắc lặng nghe sắc xuân đang về trong tim, ùa vào trong mỗi gia đình tại đây.

Sáng 28 Tết, phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại London, đã đi tìm hương vị Tết trong không gian Việt giữa lòng thủ đô London, để trải lòng mình với nỗi nhớ quê hương những ngày này...

Sắm Tết tại khu chợ người Việt ở Hackney

Suy thoái kinh tế, thất nghiệp cao tại Anh dường như không ảnh hưởng gì đến không khí sắm Tết của bà con người Việt tại Hackney - khu tập trung người Việt sống nhiều nhất ở London.

Tại các siêu thị của người Việt hàng Tết hầu như không thiếu gì. Từ lá dong, hành muối, bánh chưng, gấc quả, giò thủ, thịt đông, xôi gấc, bóng, măng khô, ngó sen, măng tươi; các loại gia vị như thì là, rau dăm, mùi ta, khế, quất, ngổ, kinh giới, rau thơm, lá chanh cho đến các loại rau như rau muống chẻ, nộm hoa chuối, dọc mùng, giò sống, các loại mứt hộp, mứt đóng riêng từng loại, ô mai, hạt bí, phong bao lì xì.

Rồi gà nguyên đầu để cúng giao thừa, cùng các loại hoa quả như bưởi, đu đủ, mít, sầu riêng, roi, vú sữa, măng cụt, táo ta, khế, na, thanh long, chuối xanh, quất; và oản cúng, hoa đào, cây quất, hoa layơn, tiền vàng mã, hương thẻ, bàn thờ cúng.

Giá hoa quả nhập ở đây được bán 7 bảng/kg, bánh chưng 7 bảng chiếc, giò lụa gần 5 bảng/cây nặng 1,2kg, chả quế 10 bảng/kg, bưởi 2,5 bảng/quả, lá chanh 1,5 bảng/túi khoảng 100 lá, mứt hộp loại to 8,50 bảng/hộp, những cành đào nhỏ được bán khoảng 25-35 bảng/cây.

Nói chung để mua sắm Tết bên này có đủ mâm ngũ quả, có bánh chưng, giò, các món ăn cổ truyền ngày Tết như xôi gấc, gà cúng, măng khô, bóng, miến mọc, nem chi hết khoảng từ 150-200 bảng cho mỗi gia đình Việt tại đây.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại siêu thị Star Night trên đường Mare, hai bác khách hàng ngoài 60 tuổi tâm sự: "Sang đây đã được ngót nghét 30 chục năm, chúng tôi đi sắm Tết tại đây không chỉ là để chuẩn bị thắp hương cúng tổ tiên đêm giao thừa, mà còn coi đây là một dịp rất vui để sống lại cảm giác đi chợ Tết khi xưa ở Việt Nam nên sẽ đi hết tất cả các cửa hàng bán đồ Tết tại khu Hackney này chỉ để ngắm cho thỏa nỗi nhớ quê hương."

Hai bác mua cả phong bao lì xì và hẹn nhau cùng đi lễ chùa hôm 1 Tết. Khu chợ Tết Việt ở Hackney không chỉ bán hàng Tết cho người Việt tại London, những ngày này có nhiều người Việt ở các tỉnh lân cận cũng lên đây sắm Tết.

"Hà Nội ơi rất nhớ Hà Nội"

Dời khu chợ Tết Việt, phóng viên TTXVN đến thăm gia đình bác Thanh Phan tại Motingham, cách trung tâm London khoảng gần 30km. Khi phóng viên đến đúng lúc hai vợ chồng bác Phan đang gói nốt mẻ bánh chưng cuối cùng. Bước vào nhà bác Phan, cảm giác đầu tiên như mình đang sống tại Việt Nam.

Mùi hương thắp thơm lừng khắp nhà, chương trình VTV4 đang chiếu cảnh Hà Nội xưa, trời lạnh ngồi bên lò sưởi ánh lửa bập bùng, uống nước chè tươi, ăn lạc rang và xem các bác gói bánh chưng.

Bác Phan gái kể: bác đi chợ mất vài buổi để chuẩn bị Tết. Năm nào hai bác cũng tự gói bánh chưng vì gói bánh chưng sẽ cảm nhận được không khí chuẩn bị Tết và thấy mới thực sự là có Tết tại đây. Bác kể tiền mua lá dong gói bánh còn đắt hơn tiền mua gạo nếp để gói bánh. Mua một bó là dong hết 7 bảng, gói tiết kiệm lá thì được 10 chiếc bánh chưng.

Cúng giao thừa bao giờ nhà bác cũng có xôi gấc, gà có đầu và sáng mùng 1 thắp hương làm cỗ. Bác Phan kể vì xa quê hương nên các bác chuẩn bị Tết rất đầy đủ cũng đi chợ Tết, gói bánh chưng, cúng giao thừa, xông nhà, trang trí trong nhà cành mai, đào, hoa cúc, mâm ngũ quả để có được cảm giác như vẫn đang ở Việt Nam.

Bác tâm sự đó là cảm giác an ủi với những người xa quê hương Đất Mẹ, vì vậy phải giữ gìn phong tục để ôn nhớ ngày xưa. Không riêng gì gia đình bác, nhiều bà con tại đây đều giữ đúng phong tục cúng đêm giao thừa, xông nhà, tiền lì xì, phát lộc cho các cháu, tuy vậy vẫn không có được không khí rầm rộ đón Tết như ở trong nước.

Bác Phan nói trong nước thì đêm giao thừa ra bờ Hồ ngắm pháo hoa, chúc tụng nhau, không khí náo nhiệt hơn. Bên này im lặng hơn nhưng nói chung cũng giữ được phong tục của mình.

Bác Thanh Phan là người có tâm hồn âm nhạc, yêu thơ phú, nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại London với chất giọng nam trung tuyệt vời khi hát những bài hát về Hà Nội như bài Hà Nội Niềm Tin và Hy Vọng. Thơ của bác từng được cố nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc như bài Hà Nội Xuân Nhớ.

Gặp chúng tôi bác vui vẻ kể về bài thơ bác mới sáng tác dịp xuân Canh Dần, bác nói "cho Thanh Phan nhắn với Hà Nội là rất nhớ Hà Nội nên mới có bài thơ Hà Nội mãi mãi xuân," rồi bác say sưa đọc thơ cho chúng tôi nghe, như cũng để trải lòng mình trong nỗi nhớ khôn nguôi về Hà Nội.

Những ngày Tết sống xa quê hương, những câu chuyện về sắm Tết, ký ức Tết quả thực là một liều thuốc kỳ diệu, xoa dịu bớt phần nào nỗi nhớ ngập tràn trong tim những người Việt xa quê, mọi người đều tìm thấy trong ký ức của mình đâu đó hơi thở, không khí xuân về ngập tràn trong tâm hồn mình cho dù bạn đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới./.

Diễm Quỳnh/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục