Chiều tối 30/9, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng đã đi kiểm tra tình hình triều cường gây ngập lụt, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt, mua bán của người dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Đoàn đã đến kiểm tra tại các tuyến đường ngập sâu như Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Trần Hưng Đạo, Trần Văn Hoài... Mực nước chiều tối 30/9 được dự báo là đỉnh điểm của đợt triều cường đầu tháng 9 Âm lịch ở thành phố Cần Thơ. Tại các tuyến đường trên có những điểm ngập rất sâu, trên 0,5m, ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển, sinh hoạt của người dân.
Trên đường Nguyễn Văn Cừ, điểm ngập sâu nhất nằm gần dốc cầu Rạch Ngỗng 2. Tại đây, lực lượng Công an, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn bảo vệ dân phố, thanh niên tình nguyên tập trung giúp người dân đẩy xe máy qua những nơi nước sâu, chảy xiết.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, mực nước cao nhất trong chiều 30/9 được dự báo sẽ bằng hoặc cao hơn mức 2,25m được ghi nhận sáng cùng ngày. Đây cũng là đỉnh triều lịch sử từng xuất hiện tại Cần Thơ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tập trung thực hiện công tác ứng phó triều cường, ngập lụt. Theo đó, tập trung tuyên truyền thông tin kịp thời tình hình nước dâng cao hằng tháng để người dân nắm bắt, ứng phó; tập trung di dời người dân ở nơi ngập sâu, có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn; các địa phương kiểm tra, gia cố đê bảo vệ các cồn, vườn cây ăn trái trên địa bàn. Quận Ninh Kiều huy động lực lượng là đoàn viên thanh niên, công an hỗ trợ người dân gặp cố khi đi đường.
Đối với ngành nông nghiệp, ôngPhạm Văn Hiểu yêu cầu tìm cách khai thác hợp lý các cống, đập, xả nước vào những cánh đồng đã thu hoạch lúa xong để giảm áp lực nước về các đô thị lớn và các khu vực ven sông.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, đặc biệt là quận Ninh Kiều, ngoài việc tập trung hỗ trợ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, cần tìm cách khắc phục tối đa ảnh hưởng của triều cường tác động đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của nhân dân trên địa bàn.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều Trần Tiến Dũng cho biết, quận đã chỉ đạo đài truyền thanh kịp thời thông tin đến người dân về tình hình triều cường dâng cao đợt này.
Do hầu hết các tuyến đường thuộc quận Ninh Kiều đều bị ngập trong thời điểm triều cường, nên Ủy ban Nhân dân quận cũng chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự, đoàn thanh niên, bảo vệ dân phố ra quân hỗ trợ người dân, tiến hành phân luồng giao thông, đảm bảo các tuyến đường luôn thông suốt khi triều cường xuất hiện.
Ngay sau khi nước rút, Phòng Quản lý Đô thị quận, Ủy ban Nhân dân các phường phối hợp với các đơn vị công ích kịp thời tổng vệ sinh môi trường, khai thông các tuyến cống để thoát nước nhanh và không ô nhiễm sau khi hết ngập.
Cũng trong chiều 30/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã ký Công văn số 3008 yêu cầu các sở, ban ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện triển khai các giải pháp khẩn cấp chủ động ứng phó với triều cường.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của triều cường, đảm bảo an toàn về người, tài sản và đời sống sinh hoạt của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ chủ động làm việc với Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ về công tác dự báo tình hình khí tượng thủy văn trên sông Hậu, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố các giải pháp cụ thể để chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố và địa phương có biện pháp ứng phó kịp thời với triều cường, không để bị động.
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm; rà soát lại phương án chủ động đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ; rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch và tại các khu vực ngập lụt để có các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu.
Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra việc thi công các công trình xây dựng trong đô thị để hạn chế tối đa việc đắp đập ngăn dòng thoát nước làm ảnh hưởng đến việc thoát nước mưa, nước triều của các khu vực xung quanh; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, vận hành van ngăn triều, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công viên trên địa bàn đô thị.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận, huyện khẩn trương khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố…/.