Trong cuộc gặp ngày 8/7 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hamburg của Đức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tăng cường đối thoại với mục tiêu cải thiện quan hệ song phương, trong bối cảnh năm nay đánh dấu lần thứ 45 ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Một quan chức cấp cao Nhật Bản cho hay trong cuộc gặp, lãnh đạo hai nước cũng xác nhận ý định xây dựng các mối quan hệ "ổn định," cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
[Nhật-Trung sẽ sớm triển khai cơ chế liên lạc trên không và biển]
Thủ tướng Abe đã bày tỏ mong muốn các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước sẽ được thực hiện, đồng thời kêu gọi sớm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc và Hàn Quốc tại Nhật Bản.
Về kỷ niệm lần thứ 45 ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong năm nay và kỷ niệm lần thứ 40 ngày ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhât Bản-Trung Quốc vào năm tới, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn phát triển đúng hướng quan hệ giữa hai nước.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Peru hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, trong cuộc gặp riêng rẽ diễn ra cùng ngày bên lề Hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Nhật Bản mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng hóa của Mỹ để từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Theo một quan chức cấp cao của Nhật Bản, Tổng thống Trump trong cuộc gặp đã đề cập vấn đề thâm hụt thương mại của Washington với Tokyo và tầm quan trọng phải đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường của nhau.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ không đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan đến khả năng hai nước ký kết một hiệp định thương mại tự do.
Cho đến nay, Nhật Bản vẫn luôn thận trọng đối với một hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ do lo ngại chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể gia tăng sức ép buộc Tokyo mở cửa thị trường, đặc biệt đối với hai ngành hàng "nhạy cảm" về mặt chính trị là nông sản và xe ôtô.
Theo số liệu thống kê của Washington, năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản vào khoảng 69 tỷ USD./.