Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ doanh nghiệp lớn mà ngay cả người bán buôn, bán sỉ, bán lẻ đều có chung cảm nhận là chưa khi nào làm ăn khó khăn như lúc này.
Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhiều vấn đề về hỗ trợ vốn, giảm, giãn thuế; chương trình cho vay kích cầu đầu tư; thu hút đầu tư, giá thuê đất; các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng; cải cách hành chính... đã được các doanh, hiệp hội các ngành nghề kiến nghị với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày 17/2 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn

Kiến nghị cụ thể về chương trình kích cầu đầu tư, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí-điện Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để các chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, vài năm nay, chương trình này đã dừng làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành liên quan.

Theo ông Tống, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển đầu tư như y tế, giáo dục-đào tạo, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào chương trình xã hội hóa các dịch vụ công.

Ông Tống kiến nghị thành phố xem xét triển khai lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư như trước đây nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh doanh.

Thành phố cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật và vốn đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh hoạt động kích cầu đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cũng cần quan tâm thực hiện, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc chuyển qua.

Đại diện các doanh nghiệp ngành hàng lương thực thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ nhiều khó khăn bởi những tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và hậu quả của dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức.

"Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả người bán buôn, bán sỉ và bán lẻ đều có chung cảm nhận chưa có khi nào làm ăn khó khăn như lúc này," bà Chi chia sẻ.

Bên cạnh đó, với lãi suất ngân hàng cho vay trên 10% như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động thì doanh nghiệp rất áp lực, cố gắng cân đối để đảm bảo tốt công ăn việc làm cho người lao động chứ chưa nghĩ đến việc kinh doanh có lãi.

Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp ảnh 2Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngoài ra, hàng loạt các chi phí đầu vào khác tăng đáng kể như: điện, nước, nguyên nhiên liệu… càng gây áp lực khiến không ít doanh lớn đã chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài.

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội dệt may-thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất ngành thuế có chính sách giảm, giãn thuế cho đến hết cuối năm 2023 để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.

Các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt… cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn doanh nghiệp và khuyến khích phát triển kinh tế trong thị trường cạnh tranh quốc tế.

Về ngân hàng, ông Việt cũng đề xuất các ngân hàng thương mại cần có chính sách cho vay linh hoạt, cho vay gối đầu; mở rộng hạn mức cho vay; xem xét lại tiêu chí đánh giá của các ngân hàng cho vay bởi hiện có nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận các nguồn vốn vay…

Cùng với những áp lực từ các hoạt động kinh tế, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất thành phố chú trọng vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tốt nhất để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.

[Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong những tháng đầu năm]

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% trước đó; các doanh nghiệp gặp khó khăn đầu tiên ở lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, bất động sản…

Một số doanh nghiệp đã cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ Tết dài ngày do không có đơn hàng dự trữ; mức lương bình quân của người lao đông trước đây trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% xuống còn 65% vào những tháng cuối năm 2022.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, nhất là tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên đến 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm 60%, Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý 1/2023, khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.

Trong số đó, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35-50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022.

Cùng nhau tháo gỡ

Để giải quyết bài toán khó khăn chung, hỗ trợ các ngành nghề, các doanh nghiệp cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, ngành nghề.

Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng thành phố cần có chính sách giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% phí hạ tầng đường bộ, phí cảng biển.

Về quy định phòng cháy chữa cháy, cần xem xét lại tiêu chí vì tiêu chí này đang cao hơn Mỹ và buộc doanh nghiệp phải tăng thêm 30%/tổng chí phí xây dựng, gây ảnh hưởng rất lớn cho nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thành phố sớm đưa vào vận hành hệ thống đường cao tốc, đường trên cao, kết hợp xây dựng đường thủy nội địa kết hợp xây dựng bến bãi, cụm cảng nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận hành cho ngành.

Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng cho công nghệ phụ trợ của ngành trang thiết bị y tế; cần định hướng xây dựng một khu công nghiệp trang thiết bị y tế trong các khu công nghiệp đã có sẵn.

Đồng thời, thành phố kiến nghị với Trung ương cải tiến các thủ tục hành chính trong việc cấp phép lưu hành sản phẩm, trang thiết bị y tế; tổ chức và quản lý việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế một cách khoa học và hợp lý, tránh hiện tượng tiêu cực lợi ích nhóm trong việc đấu thầu trang thiết bị y tế.

"Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế tham gia các hội chợ và các chương trình xúc tiến thương mại trong nước cũng như quốc tế. Triển khai việc thành lập các viện, trung tâm kiểm định trang thiết bị y tế theo nhiều hình thức khác nhau," ông Doãn chia sẻ.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị với Trung ương; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, hướng đến liên kết vùng, đưa sản phẩm Việt ra cộng đồng trong và ngoài nước.

Đối với các sở ngành, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nhắc nhở việc tiếp thu, lắng nghe, khắc phục nhanh những tồn tại; đồng thời tiếp tục nghiên cứu những khó khăn phát sinh mới để có hướng đề xuất tháo gỡ.

Trong mọi hoạt động liên quan đến cải cách hành chính cần công khai, minh bạch, bình đẳng; mỗi người phải tự làm đúng và tốt công việc của mình để mối mối quan hệ giữa doanh nghiệp, chính quyền ngày càng trong sáng và hiệu quả hơn...

Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp ảnh 3Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

"Chúng ta đã làm rất nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội thì cần phải nỗ lực nhiều hơn. Chúng ta cần tự soi rọi những việc đã làm, đang làm, sẽ làm để làm tốt hơn, tốt nhất trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp, phát triển thành phố…," ông Nên nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, càng khó khăn, các sở, ngành cần phải thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ nhiều hơn; thủ tục hành chính cần phải tối giãn, ngắn ngọn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại; làm mới hơn các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh của các doanh nghiệp trong cộng đồng.

Đối với doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị cần chú trọng hơn nữa trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân lao động mới; xây dựng lực lượng nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề chuyên môn cao; xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ. Cần chú trọng hơn nữa việc giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường các hoạt động phát triển doanh nghiệp gắn với văn hóa; liên kết vùng; xây dựng chuỗi cung ứng an toàn từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng cần có quy chế phối hợp giữa Hiệp hội doanh nghiệp thành phố với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; chú trọng xin cơ chế thí điểm, nhất là những những vấn đề chưa có quy định; khuyến khích động viên tính năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phát và có những chính sách vượt trội để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục