Lao động dệt may Việt được đánh cao tại Malaysia

Ngành dệt may Malaysia đang cần nhiều lao động và lao động Việt Nam được đánh giá là khéo tay, chịu khó, không ngại làm thêm giờ.
Lãnh đạo nhà máy dệt may Golden Vertex, Malaysia cho biết nhà máy này hiện có 122 công nhân nước ngoài đang làm việc, ngoài 40 lao động Việt Nam chuẩn bị được tiếp nhận, trong năm tới nhà máy vẫn có nhu cầu tuyển thêm nhiều nữ công nhân.

Lao động Việt Nam đến làm việc tại nhà máy sẽ được nhận mức lương cơ bản 21 ringgit (6,2 USD/ngày), cộng với làm thêm giờ, mức lương trong 3 tháng gần đây của những người thấp nhất cũng đạt 720 ringgit (215 USD/tháng). Sản phẩm xuất khẩu của nhà máy chủ yếu là quần áo thể thao dành cho vận động viên chơi golf.

Ông Eugene Liew, Giám đốc phát triển kinh doanh của nhà máy nói: "Máy móc của chúng tôi đang đắp chiếu chờ công nhân Việt Nam".

Trong khi đó, Steven Cheng - Tổng giám đốc nhà máy Graceful Apparel cho biết: "Hiện chúng tôi có tới 300 máy không có công nhân làm việc. Chúng tôi rất thích lao động Việt Nam làm việc lâu dài tại nhà máy vì họ khéo tay, may giỏi lại chịu khó, không ngại làm thêm giờ khi nhà máy phải hoàn thành gấp hợp đồng".

Theo ông Tay, Giám đốc nhân sự của nhà máy dệt may Gimmill Industrial SDH, hầu hết các lao động nữ đang làm việc tại nhà máy Gimmill còn rất trẻ, do vậy, "nhà máy tạo điều kiện để công nhân về nước lo chuyện chồng con, sau khi gia đình ổn thỏa lại quay sang làm việc".

Ông Tay cho biết thêm cách đây 2 năm, tình hình tại khu ký túc xá của nhà máy này hết sức lộn xộn và phức tạp, các vụ trấn lột, cờ bạc, gây lộn liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, tới nay nhà máy đã tăng cường kiểm tra và canh gác suốt 24 giờ, nên kẻ xấu không có cơ lọt vào gây rối. An ninh cho người lao động hoàn toàn được bảo đảm.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, hiện nay nhiều lao động Việt Nam đến với họ đều tìm hiểu thông qua bạn bè, người thân đã và đang làm việc tại Malaysia.

Trong những năm gần đây, nhiều công ty tuyển dụng lao động của Việt Nam đưa công nhân sang Malaysia làm việc do thiếu trách nhiệm nên đã không thẩm định kỹ hợp đồng, không tìm hiểu cơ sở sản xuất mà người lao động sẽ tới làm việc nên nhiều tiêu cực phát sinh khiến người lao động mất lòng tin.

Để khôi phục thị trường lao động Malaysia, các cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh lại phương thức làm việc của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, yêu cầu họ phải có đại diện tại địa bàn để quản lý, theo dõi lao động nhằm kịp thời giải quyết những phát sinh.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần học hỏi kỹ năng giao tiếp, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, bởi tại các nhà máy dệt may của Malaysia, công nhân đều hưởng lương theo sản phẩm.

Ông Paul Khoo, Giám đốc Công ty môi giới lao động Nationcity của Malaysia cho biết, hiện nay các lao động Việt Nam làm việc tại nước này được hưởng lợi hơn trước đây bởi mức lương cơ bản được nâng cao (21 ringgit so với 18,5 ringgit/ngày trước đó).

Tuy nhiên, ông Paul cho biết thêm, các lao động Việt Nam muốn có mức thu nhập cao khi làm việc tại Malaysia, trước hết cần phải thành thạo nghề, có vốn ngoại ngữ để giao tiếp, có sức khỏe và tìm hiểu thông tin về những doanh nghiệp tuyển dụng lao động Việt Nam cũng như doanh nghiệp sản xuất tại Malaysia./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục