Lao động Việt tại Malaysia: Khó chồng lên khó

Malaysia là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu bởi vậy nước này cũng không thể thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Số lượng lao động nước ngoài ở Malaysia hiện tại là khoảng 3 triệu người, trong đó khoảng 1/3 là lao động bất hợp pháp.

Malaysia là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu bởi vậy nước này cũng không thể thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Số lượng lao động nước ngoài ở Malaysia hiện tại là khoảng 3 triệu người, trong đó khoảng 1/3 là lao động bất hợp pháp.

Theo con số thống kê của Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, số lao động Việt Nam tính đến thời điểm này là vào khoảng 100.000 người, đứng thứ năm sau Indonesia, Myanmar, Nepal và Bangladesh.

Kinh tế suy giảm, người làm công khốn đốn

Trong những tháng gần đây, do các ông chủ đã khấu trừ lương và cắt xén thu nhập của người lao động, nhằm tránh bị thua lỗ hoặc phá sản trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái hiện nay, khiến đồng lương của công nhân Việt Nam đã gầy nay lại còm cõi thêm.

Trên thực tế, với mức lương trung bình 19 ringgit/ngày (hơn 95.000 đồng) và làm ngày nào hưởng ngày ấy, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi lao động chẳng dành dụm được là bao. Nhiều chị em tỏ ra chán nản và lo lắng bởi họ nghĩ lúc về nước, sau khi trang trải các khoản nợ nần, liệu vốn liếng còn được bao nhiêu sau 3 năm lăn lộn kiếm sống nơi đất khách quê người.

Tình hình này đã dẫn đến nhiều vụ đình công của lao động Việt Nam tại Malaysia tại một số nhà máy. Điển hình nhất là vụ gần 300 nữ công nhân đình công tại nhà máy sản xuất đồ điện tử Fletronics ở thành phố Shah Alam, bang Selangor do không có đủ việc làm và công ty môi giới lao động của Malaysia không đảm bảo thu nhập hàng tháng cho công nhân tại nhà máy này.

Trước tình hình này, các cán bộ Ban quản lý lao động Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã trực tiếp xuống nhà máy, phối hợp cùng Công ty tạo nguồn lao động Nada Persada kịp thời chuyển 88 lao động đến làm việc tại nhà máy SHARP thuộc thành phố Bahtu Bahat, bang Johor.

Đại sứ quán Việt Nam cũng đã yêu cầu Công ty Nada phải thực hiện nghiêm túc những cam kết với người lao động về việc làm, thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt và đảm bảo an ninh cho người lao động trong các ký túc xá.

Tại nhà máy Supermax Glove, 24 công nhân Việt Nam cũng đã đình công chỉ vì không đồng ý khi bị Công ty môi giới lao động Sepang Nusa ở thành phố Sungai Buloh, bang Selangor chuyển đến làm việc tại nhà máy mới ở Muar, bang Johor.

Tự mình làm khó mình!

Lao động Việt Nam ở Malaysia thường xuất thân từ các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, họ ít tiếp xúc với bên ngoài, trình độ văn hóa, nhận thức và đặc biệt là ngoại ngữ còn hạn chế nên họ rất e ngại khi bị tách chuyển tới những nơi làm việc mới.

Nhiều lao động Việt Nam không nhận thức hết được vấn đề, khi bị rủ rê, họ sẵn sàng bỏ việc nhà máy để ra làm ngoài với mức lương nhỉnh hơn. Song họ đâu có biết công việc đó chỉ nhất thời và vô hình trung trở thành lao động bất hợp pháp, không giấy tờ tùy thân, không người bảo lãnh và nhiều người đã không tránh khỏi bị bắt giữ theo luật pháp của nước sở tại.

Trong năm vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã phải làm việc với các cơ quan chức năng nước này giải quyết thủ tục cho khoảng 2.400 người hết hạn tù hoặc ở những trại tạm giam được chính phủ nước sở tại cho phép hồi hương.

Hiện nay có khoảng 74 doanh nghiệp của Việt Nam đưa lao động sang Malaysia làm việc nhưng trong đó chỉ có 10 doanh nghiệp có cán bộ đại diện để quản lý lao động của mình tại đây. Còn lại họ đều phó mặc người lao động cho các công ty môi giới và giới chủ Malaysia nên không xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Có những vụ việc để kéo dài không được giải quyết đã gây bức xúc cho người lao động và là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài can thiệp, làm phức tạp tình hình, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động.

Các đối tượng này tăng cường hoạt động lôi kéo và kích động người lao động tại các nhà máy và những nơi đang khó khăn về việc làm đồng thời tìm cách khoét sâu mâu thuẫn giữa chủ và người lao động, xúi giục người lao động bỏ về nước.

Malaixia là một thị trường lao động dễ tính, tuy mức lương không cao song cũng giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người trong nước, bởi vậy muốn giữ được thị trường và lấy lại được lòng tin của người lao động vào thị trường này, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người lao động lên trên lợi ích trước mắt của mình.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải có những quy định cụ thể để chấn chỉnh các doanh nghiệp trong nước, ký kết lại các thỏa thuận để tạo điều kiện cho người lao động, giảm bớt đóng góp trước khi đi làm việc ở Malaixia. Chỉ có như vậy người lao động mới không quay lưng lại với thị trường này, nơi mà họ chưa thể làm giàu song có thể giúp được gia đình mình thoát khỏi cái đói cái nghèo.  Con số 2.000 tỷ đồng mà các lao động ở Malaixia gửi về nước mỗi năm chắc chắn cũng không phải là một con số nhỏ./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục