Lập danh sách những người ứng cử đại biểu QH

Nhiều địa phương thống nhất lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và ứng cử đại biểu HĐND tỉnh.
Sáng 15/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thống nhất lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Tỉnh Thái Bình thống nhất lập danh sách chính thức 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và 99 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011-2016.

Đối với những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011-2016, hội nghị đã nhất trí cho rút 11 người, còn lại 99 người phân bổ cho 16 đơn vị bầu cử để đảm bảo mỗi đơn vị bầu cử có số dư 2 người.

Tỉnh Thái Bình sẽ có 9 người được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII và 67 người được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Quảng Trị, Hội nghị đã thống nhất chốt danh sách 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa kể 2 người do Trung ương giới thiệu về ứng cử tại địa phương), trong đó, cơ cấu kết hợp: dân tộc Bru-Vân Kiều chiếm 25%, nữ trẻ tuổi và người ngoài Đảng cùng có tỷ lệ 12,5%, đại biểu tái cử 25%.

Trước đó, Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã lập danh sách 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng có 4 người xin rút và đã được hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 chấp thuận.

Hội nghị cũng nhất trí lập danh sách 84 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, để bầu 50 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Tỉnh An Giang thống nhất lập danh sách chính thức 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa tính 4 người do Trung ương giới thiệu) và 115 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 của tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết nhất trí chốt danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam là 10 người (chưa kể đại biểu do Trung ương giới thiệu).

Hội nghị cũng đã biểu quyết chốt danh sách đại biểu ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 102 người. Chỉ tiêu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII mà Trung ương phân bổ cho đơn vị Quảng Nam là 8 người, trong đó có 3 người do Trung ương giới thiệu. Tổng số đại biểu được bầu của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 được quy định là 58 người.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, tỉnh Long An thống nhất danh sách 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII cùng với 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu; 95 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, trong đó có 3 người tự ứng cử.

Tỉnh Điện Biên thống nhất lập danh danh chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó có 4 nam và 4 nữ, với thành phần cơ cấu dân tộc: 2 người dân tộc Kinh, 2 dân tộc Thái 2, 2 dân tộc Lào, 2 dân tộc Mông; 6 đảng viên (chiếm 75% số người ứng cử). Ứng cử viên có trình độ học vấn đại học và trên đại học chiếm 87,5%. Việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội đảm bảo dân chủ, đúng quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và quy trình hiệp thương.

Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lâm Đồng được bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ngoài 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba này đã thống nhất danh sách chính thức có 8 ứng cử viên. Như vậy danh sách ứng cử viên chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Lâm Đồng gồm 11 người được bầu tại 3 đơn vị bầu cử.

Danh sách ứng cử viên Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 cũng được Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba thống nhất thông qua gồm 107 người và số ứng cử viên này sẽ được bầu tại 17 đơn vị bầu cử để chọn 73 đại biểu.

Tại Bắc Giang, hội nghị hiệp thương lần 3 đã nhất trí lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó, nữ chiếm 40%, người dân tộc thiểu số chiếm 20%, tuổi trẻ chiếm 40% và người ngoài Đảng chiếm 20%. Như vậy, tỉnh Bắc Giang có 13 người ứng cử (trong đó có 3 vị do Trung ương giới thiệu về) tại 3 đơn vị bầu cử để bầu ra 8 đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Hội nghị cũng đã nhất trí lập danh sách chính thức 127 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Tuyên Quang, Hội nghị hiệp thương lần 3 đã thống nhất lập danh sách chính thức 7 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Tuyên Quang. Tất cả các đại biểu ứng cử đều có trình độ học vấn từ đại học trở lên. Hội nghị đã thống nhất lập danh chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2012 là 86 người, trong đó, 31 người dân tộc Kinh, 55 người dân tộc thiểu số.

Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất lập danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Như vậy, cùng với 2 người do Trung ương giới thiệu, tổng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 10 người sẽ tham gia ứng cử tại 2 đơn vị bầu cử của tỉnh để bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Danh sách chính thức ứng cử viên Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã được Hội nghị hiệp thương chốt lại gồm 70 người, tham gia ứng cử tại 10 đơn vị bầu cử của tỉnh để bầu ra 50 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tỉnh Khánh Hòa lựa chọn và lập danh sách chính thức 84 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. 100% ứng cử viên được cử tri tín nhiệm cao, có nhận xét tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, Hội nghị đã xem xét và nhất trí để 1 người tự nguyện xin rút khỏi danh sách ứng cử.

Khánh Hòa có 14 đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh. Dựa trên số dân gần 1,2 triệu người, số đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 được bầu là 53 người.

Tại Quảng Ngãi, Hội nghị đã lập danh sách chính thức 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh là cùng với 3 người do Trung ương giới thiệu. Quảng Ngãi được bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tỉnh Quảng Ngãi có 3 đơn vị bầu cử, trong đó có 1 đơn vị bầu cử 3 đại biểu, 2 đơn vị bầu cử 2 đại biểu.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 tỉnh Nam Định đã nhất trí chốt danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII đang công tác tại địa phương là 12 người, danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 107 người.

Về cơ cấu đại biểu, trong số 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đang công tác tại địa phương, tỷ lệ nữ chiếm 50%; người ngoài Đảng chiếm 16,6%; người trẻ tuổi chiếm 25%; người Công giáo chiếm 8,3%; 100% ứng cử viên có trình độ đại học và sau đại học. Trong số 107 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 2011-2016, nữ chiếm 40%; người ngoài Đảng chiếm 16,8%; người trẻ tuổi chiếm 23,3%; người Công giáo chiếm 6,5%; người tốt nghiệp đại học và sau đại học chiếm 85%.

Hội nghị hiệp thương lần 3 tỉnh Bến Tre thống nhất lập danh sách chính thức 8 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII (chưa kể 3 ứng cử viên của Trung ương).

Hội nghị cũng đã nhất trí danh sách chính thức 93 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trong số này có 16 vị tái cử, 8 người ngoài Đảng; tỷ lệ nữ chiếm 31%, trẻ 16%; khối Đảng 22,58%, khối Nhà nước 24,7%, mặt trận-đoàn thể 26,8%, lực lượng vũ trang 7,5%, xã hội-nghề nghiệp 28%.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 tỉnh Bắc Kạn đã chốt danh sách 8 người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, gồm 3 nữ (bằng 37,5%), 4 người dân tộc Tày, 2 dân tộc Kinh, một dân tộc Dao, một dân tộc Nùng. Người trẻ nhất 34 tuổi, cao nhất 56 tuổi.

Hội nghị cũng xem xét danh sách 83 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh để rút xuống còn 78 người, từ đó chọn 50 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Trong danh sách ứng cử viên Hội đồng Nhân dân tỉnh có 28 nữ, chiếm 35,8%; 7 người dưới 35 tuổi (8%) và 7 người ngoài đảng (8%)…

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 tỉnh Kon Tum đã chốt danh sách 8 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII, 2 ứng cử viên khác có đơn xin rút khỏi danh sách và đã được hầu hết đại biểu đồng ý.

Theo dự kiến phân bổ cơ cấu, tỉnh Kon Tum có 6 đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Đối với Hội đồng Nhân dân tỉnh, hội nghị cũng chốt lại 74/104 người ứng cử. 30 ứng cử viên còn lại đã có đơn xin rút, một số người không đủ phiếu tín nhiệm, không đúng thành phần, cơ cấu và không tiếp xúc cử tri nơi cư trú.

Tại Bình Định, 100 % đại biểu tham dự đã nhất trí tán thành lập danh sách chính thức ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII gồm 11 người (không kể 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu).

Đối với ứng cử viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2011-2016 với tổng cộng 95 người và dự kiến bầu chính thức là 59 đại biểu.

Qua 3 lần hiệp thương và 2 bước lấy ý kiến cử tri của ứng cử viên tại cơ quan và nơi cư trú đã phản ánh kết quả tín nhiệm rất cao của cử tri, nhất là ứng cử viên đại biểu Quốc hội với 100% cử tri nhất trí cho toàn thể 11 ứng cử viên do qua trình hiệp thương giới thiệu. Riêng đối với ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 hầu hết cử tri tin nhiệm 100%, chỉ riêng số ít một số ứng cử viên có sự tín nhiệm đạt từ 95-99%, là những ứng cử viên có tuổi đời lớn hơn và đến nay không có một ứng cử viên nào đều ý kiến cử tri đề nghị có vấn đề cần xác minh.

Tại Hưng Yên, sau Hội nghị hiệp thương lần 2, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương ở Hưng Yên đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với 101 người ứng cử và tự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhịêm kỳ 2011-2016. Ý kiến của các cử tri về những người ứng cử đều thể hịên sự dân chủ, xây dựng. Các ứng cử viên đều được cử tri tín nhiệm cao với 100% số phiếu tán thành.

Trước ngày hội nghị hiệp thương lần này, tỉnh Hưng Yên có 22 ứng cử viên làm đơn xin rút khỏi danh sách. Tại hội nghị hiệp thương sáng ngày 15/4, sau khi nghe đại diện ban thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh giới thiệu danh sách sơ bộ của các đối tượng đã được tín nhiệm, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí đưa 79 người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá 15, trong đó có 1 người tự ứng cử.

Tại Bình Dương, hội nghị đã thống nhất lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII do có ông Trần Thanh Nguyện - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Trần Văn Ơn) có đơn xin thôi không tiếp tục ứng cử vì lý do gia đình khó khăn nếu.

Hội nghị cũng thống nhất lập danh sách chính thức 94 ứng cử viên Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 trong số 103 người được Hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ do có 7 người có đơn xin thôi không tiếp tục ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh và có 2 trường hợp có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%.

Như vậy, danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội đủ vừa theo số lượng được quy định là 10 của tỉnh cùng với 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về tỉnh để bầu lấy 8 đại biểu; danh sách ứng cử đại biểu ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh thừa 1 đại biểu theo quy định để dự phòng theo quy định danh sách là 93 người để bầu lấy 63 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Tất cả các ứng cử viên này đều đạt 100% phiếu tín nhiệm cử tri nới công tác và cử tri nơi làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục