Lặp lại chính sách của ông Obama sẽ mang đến thất bại cho ông Biden?

Chuyên gia nhận định xét một cách công bằng, ông Joe Biden vẫn chưa có cơ hội để thực hiện những gì mà ông đã phát biểu trong việc thể hiện sức mạnh của Mỹ.
Lặp lại chính sách của ông Obama sẽ mang đến thất bại cho ông Biden? ảnh 1Ông Joe Biden phát biểu tại Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ, ngày 20/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyên gia nghiên cứu quốc phòng và an ninh quốc gia Charlie Lyons Jones của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) mới đây có bài phân tích về những hướng đi có thể diễn ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Joe Biden, người mới đắc cử tổng thống Mỹ, nội dung như sau:

Khi ông Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông tuyên bố rằng một nước Mỹ hồi sinh sẽ “không dẫn đầu nhờ tấm gương về sức mạnh của chúng ta, mà dẫn đầu bằng sức mạnh khi chúng ta là tấm gương.”

Đối với những người Mỹ tin rằng những chính sách của ông Donald Trump đã làm mất uy tín của một tổng thống Mỹ, cam kết của ông Biden về việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Washington đã giúp giải tỏa cho họ khi gợi lên những hình ảnh về chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ.

[Video] Tổng thư ký NATO mời ông Joe Biden dự Hội nghị thượng đỉnh

Tuy nhiên, chính những hình ảnh về một nước Mỹ đạo đức và kiềm chế, mặc dù được chào đón ở trong nước và có lẽ cả ở châu Âu, lại không giúp ích nhiều cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải vật lộn với những thách thức do Trung Quốc tạo ra.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực đa cực và có các hệ thống chính trị đa dạng. Các chính phủ ở khu vực này đều muốn giữ chủ quyền của mình và tránh rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Điều đó đòi hỏi Mỹ phải quan tâm và can dự vào khu vực, có thể hành động để hậu thuẫn chống lại chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Xét một cách công bằng, ông Biden vẫn chưa có cơ hội để thực hiện những gì mà ông đã phát biểu trong việc thể hiện sức mạnh của Mỹ.

Jeffrey Prescott và Ely Ratner, hai cố vấn chính trong nhóm tranh cử của Biden, lập luận rằng ông Biden “sẽ tập hợp thế giới tự do và vận động một nửa nền kinh tế thế giới buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về các hành vi lạm dụng thương mại.”

Michèle Flournoy, người có khả năng là Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, tin rằng quân đội Mỹ cần được phục hồi để có thể “đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu hàng của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ.”

Bản thân ông Biden thậm chí đã gọi Tập Cận Bình là một kẻ “côn đồ.” Đây là những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy chính quyền ông Biden sẽ không miễn cưỡng như người tiền nhiệm Obama trong việc chống lại hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Thế nhưng, các hành động của nhóm tranh cử của ông Biden kể từ sau cuộc bầu cử cho thấy chính quyền mới sẽ không “nói đi đôi với làm.”

Dấu hiệu đầu tiên là ông Biden rõ ràng không muốn làm theo tiền lệ của chính quyền Tổng thống Trump với việc tiếp nhận cuộc điện thoại chúc mừng trực tiếp từ người đứng đầu chính quyền Đài Loan, bà Thái Anh Văn.

Quan chức phụ trách đối ngoại Đài Loan Joseph Wu giải thích rằng Đài Bắc đã làm việc với đội ngũ của ông Biden về các cách để đảm bảo rằng lời chúc mừng của bà Thái Anh Văn được chính thức chuyển đến tổng thống đắc cử Mỹ.

Kết quả là một cuộc điện đàm giữa đặc phái viên Washington tại Đài Bắc Bi-khim Hsiao và cố vấn chính sách đối ngoại của Biden, ông Antony Blinken, thực tế đã hạ cấp quan hệ Mỹ-Đài.

Bỏ qua các cuộc điện đàm và những lời phát biểu, thông tin chi tiết hơn về cách mà ông Biden có thể tiếp cận với Trung Quốc có khả năng đến từ những lựa chọn của ông cho các vai trò chính sách đối ngoại cấp cao.

Như Thomas Wright đã lập luận trong một bài viết đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Lowy (Australia), các cố vấn chính sách đối ngoại, những người có khả năng sẽ đảm nhận các vị trí quan trọng trong chính quyền ông Biden, có thể được chia thành hai phe: những người theo chủ nghĩa phục hồi và những người theo đường lối cải cách.

Những người theo chủ nghĩa phục hồi ngưỡng mộ sự sáng suốt của ông Obama trong việc triển khai các lực lượng quân sự, không xem thường các mối đe dọa xuyên quốc gia và cạnh tranh địa chính trị, đồng thời tin vào khả năng phục hồi của Mỹ với tư cách là một cường quốc.

Những người cải cách tin rằng Mỹ cần đóng một vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế và hợp tác với các nước khác, đặc biệt là các nền dân chủ, để cạnh tranh với các cường quốc đang lên như Trung Quốc.

Người theo chủ nghĩa phục hồi đáng chú ý nhất là Susan Rice, người đã cố gắng để trở thành ngoại trưởng của ông Biden nhưng nhiều khả năng ông Antony Blinken mới là người được chọn.

Nhiều nhà bình luận đã lập luận rằng việc bổ nhiệm bà Rice vào bất kỳ vai trò cấp cao nào sẽ không được đón nhận trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Nhật Bản, do khả năng nắm bắt các vấn đề khu vực của bà được cho là yếu.

Một người theo chủ nghĩa phục hồi khác là John Kerry, người vừa được chọn làm đặc phái viên của ông Biden về biến đổi khí hậu.

Với vị thế của Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, công việc của Kerry sẽ là tìm cách hợp tác với Bắc Kinh để tiến tới một thỏa thuận đa phương có ý nghĩa về biến đổi khí hậu.

Liệu nỗ lực hợp tác với Bắc Kinh của Kerry có phải trả giá bằng một số chính sách cạnh tranh hơn của ông Biden hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của các thành viên khác trong đội ngũ của ông Biden trong việc thu hút sự chú ý của ông. Đó là nơi mà các nhà cải cách thể hiện sự khác biệt.

Kurt Campbell có lẽ là nhà cải cách nổi tiếng nhất trong đội ngũ của ông Biden khi từng là kiến trúc sư của chiến lược “xoay trục về châu Á” của cựu Tổng thống Obama.

Ông Campbell từ lâu đã cho rằng Mỹ cần phát triển một chiến lược chặt chẽ để cạnh tranh với Trung Quốc về mặt quân sự, ngoại giao và kinh tế.

Quan điểm của Campbell cùng với chuyên môn và mối quan hệ đáng kể của ông trong khu vực, sẽ là điều kiện để ông được chào đón ở hầu hết các quốc gia tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, cho đến nay, Kurt Campbell gần như không được đề cử vào một vị trí cao cấp nào trong chính quyền sắp tới của ông Biden.

Ngay cả khi những nhà cải cách khác như Ely Ratner và Jeffrey Prescott nắm giữ những vai trò quan trọng hợp lý trong bộ máy an ninh quốc gia Mỹ, dường như vẫn chưa rõ họ sẽ có ảnh hưởng như thế nào với các chính sách sắp tới của Mỹ.

Người được cho là có xu hướng trung gian giữa phục hồi và cải cách là ông Antony Blinken, người nhiều khả năng sẽ được lựa chọn là ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền của ông Biden.

Ông Blinken dường như được cho là ủng hộ cạnh tranh mạnh mẽ hơn so với các nhân vật khác từng làm việc dưới thời ông Obama, nhưng lại muốn làm việc với Bắc Kinh để đảm bảo rằng những động lực cạnh tranh này không leo thang thành đối đầu.

Nhiệm vụ của ông Blinken sẽ là tạo ra sự cân bằng phù hợp và đảm bảo rằng chính quyền mới của ông Biden không quay lại các quy tắc ngoại giao cũ của Mỹ là đặc quyền hợp tác với Trung Quốc thay vì cạnh tranh.

Ông Biden có thể chứng tỏ là một tổng thống có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc được hỗ trợ bởi một chiến lược cạnh tranh và được thực thi tốt.

Tuy nhiên, những gì nổi lên từ đánh giá sơ bộ về quá trình chuyển đổi của ông Biden là hình ảnh một chính quyền có thể khá giống với chính quyền Obama - không thích rủi ro và bị chi phối bởi những vấn đề trong nước.

Đối với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang sống dưới cái bóng của một Bắc Kinh ngày càng hung hăng, việc (Biden) khôi phục cách tiếp cận quá thận trọng của chính quyền Obama sẽ là một cơn ác mộng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục