Lập Ủy ban điều tra cuộc nội chiến tại Sri Lanka

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã thành lập một ủy ban điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc nội chiến ở Sri Lanka.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 22/6, đã thành lập một Ủy ban điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong những tháng cuối của cuộc nội chiến ở Sri Lanka .

Trong một tuyên bố, ông Martin Nesirky, trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cho biết, mục đích của Ủy ban này là tư vấn cho ông Ban Ki-moon về vấn đề trách nhiệm giải trình liên quan đến bất cứ hành động nào được cho là vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế trong những giai đoạn cuối của cuộc xung đột ở Sri Lanka.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã đưa ra quyết định trên sau chuyến thăm của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề chính trị Lynn Pascoe tới Sri Lanka tuần trước, nhằm thảo luận vấn đề hòa giải dân tộc và những cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Nhà chức trách Sri Lanka đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong thời gian tiến hành cuộc tấn công quyết định chống lực lượng nổi dậy Tamin ở khu vực Đông Bắc hòn đảo này hồi cuối năm ngoái, kết thúc 37 năm nội chiến dai dẳng ở đất nước này.

Các nhóm nhân quyền đã đưa ra những cuốn băng video, bức ảnh và hình ảnh chụp từ vệ tinh như những bằng chức về tội ác chiến tranh, nhưng đã bị chính quyền Colombo bác bỏ và gọi đó là bằng chứng giả.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, gần 100.000 người đã thiệt mạng trong thời gian nội chiến và 7.000 thường dân Tamin bị sát hại trong bốn tháng giao tranh cuối cùng giữa lực lượng chính phủ và các tay súng thuộc phong trào Những con hổ giải phóng Tamin ở Sri Lanka.

Phát biểu trước báo giới, ngài Ban Ki-moon tin tưởng rằng, trách nhiệm giải trình là cơ sở cần thiết cho một nền hòa bình bền vững và hòa giải tại Sri Lanka.

Trong khi đó, các quan chức Sri Lanka lại cho rằng việc thành lập Ủy ban trên là "không cần thiết". Trước đó, Mỹ cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc tội phạm chiến tranh ở Sri Lanka.

Chủ tịch Ủy ban điều tra là ông Marzuki Darusman, đặc phái viên của Liên hợp quốc về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, người Indonesia, với hai trợ lý là Yasmin Sooka, người Nam Phi và Steven Ratner, người Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục