Lễ hội ánh sáng Diwali lập kỷ lục thế giới về số lượng đèn được thắp

Trên khắp Ấn Độ, nhà cửa và đường phố rực rỡ ánh đèn trong Lễ hội Ánh sáng hằng năm của người Hindu, tượng trưng cho chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối.

(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)

Ngày 12/11, Lễ hội Diwali, Lễ hội Ánh sáng của người Hindu tại Ấn Độ đã lập Kỷ lục Thế giới Guinness về số lượng đèn dầu bằng đất được thắp sáng.

Trên khắp Ấn Độ, nhà cửa và đường phố rực rỡ ánh đèn trong Lễ hội Ánh sáng hằng năm của người Hindu, tượng trưng cho chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối.

Màn thắp đèn dầu ngoạn mục đã diễn ra tại sông Saryu ở thành phố Ayodhya thuộc bang Uttar Pradesh, theo quan niệm là nơi sinh của Thần Ram, vị thần tôn kính nhất của người Hindu.

Chiều tối 11/11, những người sùng đạo đã thắp sáng hơn 2,22 triệu ngọn đèn bên bờ sông suốt 45 phút trong không gian tín ngưỡng của đạo Hindu.

Đại diện của Sách Kỷ lục Guinness Thế giới đã trao chứng nhận kỷ lục về số lượng đèn được thắp sáng trong lễ hội cho Thống đốc bang Yogi Adityanath. Năm ngoái, hơn 1,5 triệu ngọn đèn dầu đất đã được thắp sáng trong lễ hội này.

Để thực hiện màn thắp đèn khổng lồ này, hơn 24.000 tình nguyện viên, hầu hết là sinh viên, đã tham gia công tác chuẩn bị.

Hồi tháng 1, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng lại ngôi đền thờ Thần Ram trên nền ngôi đền cũ Babri từ thế kỷ 16 đã bị hư hại ở thành phố Ayodhya, bang Uttar Pradesh.

Diwali là lễ hội quan trọng nhất trong năm của Ấn Độ, là dịp để mọi người gặp gỡ và tặng quà cho gia đình và bạn bè. Do nhu cầu đi lại trong dịp lễ tăng cao nên cuối tuần qua, nhà chức trách đã điều động bổ sung các chuyến tàu để phục vụ người dân về quê tham gia các hoạt động cùng gia đình.

Đèn đất thắp bằng dầu hoặc nến và pháo hoa được thắp sáng trong lễ hội. Vào buổi tối, người dân thường cầu nguyện Nữ thần Lakshmi, tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng.

Lễ hội Diwali năm nay diễn ra trong bối cảnh lo ngại về chất lượng không khí ở Ấn Độ tăng cao.

Tuần trước, chỉ số chất lượng không khí báo cáo ở mức “nguy hiểm” 400-500, gấp hơn 10 lần ngưỡng an toàn toàn cầu. May mắn, mưa và gió mạnh trong ngày 11/11 đã cải thiện chỉ số chất lượng không khí, giảm về ở mức 220.

Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không khí đã tăng trở lại sau khi kỳ lễ kết thúc tối 12/11 do sử dụng pháo hoa. Một số bang của Ấn Độ đã cấm bán pháo hoa và áp dụng các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm.

Nhà chức trách cũng kêu gọi người dân đốt “pháo xanh” ít gây ô nhiễm hơn pháo thông thường nhưng thực tế việc thực hiện còn hạn chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục