Lễ hội Văn miếu Mao Điền chính thức khai hội

Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền xuân Canh Dần 2010 đã chính thức khai hội, nhằm ôn lại truyền thống hiếu học và khoa bảng.
Sáng 2/4, lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền Xuân Canh Dần 2010 đã chính thức khai hội tại xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Về dâng hương Đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền, đại khoa bảng của trấn Hải Dương xưa có đông đảo các vị đại biểu cùng học sinh-sinh viên và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Đây là nghi lễ được tổ chức hàng năm của tỉnh Hải Dương, nhằm ôn lại truyền thống hiếu học và khoa bảng.

Phần lễ tại lễ hội năm nay có rước kiệu, văn tế và diễn văn ca ngợi Đức Khổng Tử cùng các bậc tiên hiền liệt vị xứ Đông.

Trong khi đó, phần hội khá sôi động với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như triển lãm hơn 100 bức tranh, ảnh nghệ thuật về cuộc sống, thiên nhiên và con người Việt Nam, triển lãm sách với chủ đề “Đất và Người xứ Đông,” trưng bày thư pháp và cho chữ...

Văn miếu Mao Điền tọa lạc giữa cánh đồng thuộc xã Cẩm Điền, được khởi dựng vào thời Lê Sơ (Thế kỷ XV). Tam quan được thiết kế theo nguyên mẫu mô hình của tam quan Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Văn miếu Mao Điền còn là trường thi Hương của trấn Hải Dương xưa. Trường thi Hương đã đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sĩ Nho học đứng hàng đầu cả nước.

Nếu tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075-1919), cả nước có 2.898 tiến sĩ, riêng trấn Hải Dương có 637 vị.

Ngày nay, di tích lịch sử quốc gia Văn miếu Mao Điền thờ tượng và linh vị Khổng Tử cùng tám vị đại khoa bảng tiêu biểu của Việt Nam trên các lĩnh vực như Anh hùng dân tộc-Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi, Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Thần toán Vũ Hữu, Đại danh y Tuệ Tĩnh và Nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam Nguyễn Thị Duệ./.

Nguyễn Hồng Cường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục