Ngày 8/8, Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng người di cư leo thang sau khi có thêm một trường hợp tử vong tại một trại tị nạn của Australia tại Papua New Guinea, đồng thời hối thúc chính quyền Canberra bảo vệ những người di cư muốn xin tị nạn tại nước này.
Hôm 7/8, nhà chức trách Papua New Guinea đã tìm thấy thi thể một người di cư Iran 28 tuổi treo trên cây gần một trường học tại đảo Manus.
Tuyên bố của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) nhấn mạnh vụ việc cho thấy tình thế bấp bênh của những người di cư tại đây. Cơ quan trên bày tỏ quan ngại sâu sắc trước điều kiện đảm bảo an toàn đang ngày một kém đi đối với người di cư và cảnh báo nguy cơ cuộc khủng hoảng người di cư diễn biến tiêu cực.
Đối với những người di cư bằng đường biển mà không có thị thực, Australia sẽ chuyển những người này đến các cơ sở tập trung người tị nạn tại Cộng hòa Nauru và đảo Manus. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, một tòa án của Papua New Guinea ra phán quyết rằng việc giữ người tị nạn tại Manus là trái với hiến pháp và theo đó, trại tị nạn tại đây sẽ ngừng hoạt động từ tháng 10 tới.
Hiện có khoảng 800 người di cư đang ở tại Manus và Liên hợp quốc cho biết những người này đã được yêu cầu chuyển đi nơi khác tại Papua New Guinea hoặc quay trở lại quê hương của mình. Các dịch vụ y tế và an ninh tại đây sẽ chấm dứt vào tháng 10.
Tuyên bố của UNHCR cho biết kế hoạch đóng cửa trại người tị nạn tại Manus mà không có phương án thay thế phù hợp đang gây ra bất ổn trong cộng đồng người di cư và xin tị nạn, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện nhiều vụ bạo lực trong các năm gần đây.
[LHQ cáo buộc Australia vi phạm thỏa thuận về người tị nạn]
Trước đó đã có nhiều cáo buộc về các trường hợp người dân địa phương tấn công và đe dọa người di cư tại nhiều nơi, trong đó có trại tại Manus. Điều kiện sống của người di cư tại đây cũng như trại tại Nauru cũng bị chỉ trích với các báo cáo về tình trạng ngược đãi. Các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết vụ việc của công dân Iran hôm 7/8 là trường hợp tử vong thứ 5 tại Manus kể từ khi Canberra khởi động chương trình kiểm soát người di cư qua đường biển từ tháng 7/2013.
Theo quy định của Australia, những người tìm cách vào nước này bằng thuyền dù sau đó được xác nhận là người tị nạn hợp pháp cũng sẽ không được phép định cư tại Australia.
Hồi tháng trước, Liên hợp quốc đã chỉ trích việc Chính phủ Australia rút khỏi thỏa thuận nhằm nới lỏng quan điểm cứng rắn của nước này trong vấn đề người di cư và sẽ giúp tái định cư một số người tị nạn có người thân tại Australia.
Ngày 7/8, cơ quan này một lần nữa kêu gọi chính quyền Australia "khẩn cấp tìm kiếm các giải pháp nhân đạo và khả thi ngoài hai địa điểm tại Papua New Guinea và Nauru cho những đối tượng di cư thuộc diện không được vào Australia"./.