LHQ chính thức thảo luận về cải tổ Hội đồng Bảo an

Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/2 đã chính thức bắt đầu cuộc thảo luận về cách thức mở rộng Hội đồng Bảo an- hiện có 15 thành viên - để tổ chức này mang tính đại diện lớn hơn, với việc Pháp và Anh đề xuất một cuộc cải cách tạm thời trước khi tiến hành mở rộng toàn diện.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc  ngày 19/2 đã chính thức bắt đầu cuộc thảo luận về cách thức mở rộng Hội đồng Bảo an- hiện có 15 thành viên - để tổ chức này mang tính đại diện lớn hơn, với việc Pháp và Anh đề xuất một cuộc cải cách tạm thời trước khi tiến hành mở rộng toàn diện.
 
Các thành viên Đại Hội đồng đã gặp nhau trong phiên họp toàn thể và nhất trí giải quyết 5 vấn đề then chốt: các phạm trù về quyền thành viên, vấn đề quyền phủ quyết, sự đại diện theo địa lý, quy mô của một Hội đồng Bảo an đã mở rộng và cách thức hoạt động, và mối quan hệ giữa Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng. Tuy nhiên, cuộc thảo luận quan trọng nhất sẽ bắt đầu ngày 4/3, với các phiên họp bổ sung giữa các chính phủ, dự kiến diễn ra trong tháng 3 và 4 trước khi có vòng thương lượng thứ hai về các đề xuất cụ thể trong tháng 5.
 
Hội đồng nhiều quyền lực này có thể thông qua những nghị quyết bắt buộc, kể cả việc áp đặt một số lệnh trừng phạt hoặc thậm chí cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp có những mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Bản chất của hội đồng này hầu như không thay đổi kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập hồi năm 1945 và nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, coi đây không phải là tổ chức đại diện cho các thực thể trên toàn cầu hiện tại.
 
Hội đồng Bảo an hiện có 10 nước thành viên không thường trực được bầu luân phiên hai năm một lần, và 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết (gồm Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh và Nga). Hồi năm 2005, các nước thuộc Nhóm G4 - gồm Đức, Brazil, Ấn Độ và Nhật Bản - cùng với hai nước châu Phi đã nỗ lực vận động để được tham gia hội đồng này với tư cách các nước thành viên thường trực, nhưng không có quyền phủ quyết. Song nỗ lực của họ đã thất bại vì không giành được đủ sự ủng hộ khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đối thủ trong khu vực, như Italy, Pakistan và  Argentina.
 
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Jean-Maurice Ripert nói với các phóng viên: "Đại đa số thành viên đều muốn mở rộng Hội đồng Bảo an. Họ cho rằng hội đồng không đại diện đầy đủ cho thế giới hiện tại và điều này làm suy yếu tính hợp pháp cũng như hiệu quả hoạt động của nó". Ông cho biết Paris và London ủng hộ việc các thành viên G4 và hai nước châu Phi trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Đại sứ Pháp bày tỏ sự lạc quan rằng có thể đạt được sự thỏa hiệp vào tháng 9 tới.
 
Việc mở rộng Hội đồng Bảo an đòi hỏi sự nhất trí của 2/3 trong số 192 thành viên Đại Hội đồng Liên hợp quốc và sự tán thành của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Theo các nhà phân tích, do tính phức tạp và những ảnh hưởng lâu dài của vấn đề này, con đường phía trước còn đầy thách thức, khó có thể vượt qua nếu thiếu sự đồng thuận quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục