LHQ nghiên cứu dự thảo nghị quyết mới về Syria

Việc nghiên cứu sửa đổi dự thảo nghị quyết này nhằm tránh sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Nga, đối với văn kiện trên.
Ngày 3/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục nghiên cứu một bản dự thảo nghị quyết mới, trong đó lên án tình trạng bạo lực đẫm máu tại Syria.

Việc nghiên cứu sửa đổi dự thảo nghị quyết này nhằm tránh sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Nga, đối với văn kiện trên.

Dự thảo nghị quyết mới không kêu gọi một cách rõ ràng Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức hay đề cập tới lệnh cấm vận vũ khí hoặc lệnh trừng phạt, mặc dù nói rằng "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của Liên đoàn Arập (AL) về một cuộc chuyển giao dân chủ tại Syria.

Thay vào đó, dự thảo kêu gọi một cuộc chuyển giao chính trị cho hệ thống chính trị đa dạng và dân chủ do người dân Syria làm chủ, trong đó có việc tiến hành một cuộc đối thoại chính trị nghiêm túc giữa chính quyền Syria và phe đối lập dưới sự giám sát của Liên đoàn các nước Arập, phù hợp với thời hạn mà Liên đoàn đặt ra. Dự thảo nghị quyết mới cũng lên án tình trạng bạo lực tại Syria.

Giới ngoại giao cho biết dự thảo nghị quyết mới sẽ được gửi lại chính phủ các nước thành viên của Hội đồng Bảo an để thảo luận thêm. Hiện chưa rõ liệu dự thảo nghị quyết có được nhất trí và gửi lại Hội đồng Bảo an để bỏ phiếu hay không.

[Nga phản đối đơn phương áp đặt trừng phạt Syria]

Trước đó, ngày 2/2, các cuộc đàm phán tại Hội đồng Bảo an đã buộc phải tạm dừng khi Nga tiếp tục phản đối bản dự thảo nghị quyết cứng rắn hơn đối với Syria do Morocco đề xuất hồi tuần trước.

Dự thảo nghị quyết được phương Tây và AL hậu thuẫn này yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử, chấm dứt cuộc trấn áp quân sự mà phương Tây cáo buộc đã làm 6.000 người thiệt mạng trong vòng 11 tháng qua. Văn kiện này tuy không đề cập tới việc trừng phạt Syria nhưng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp tiếp theo nếu Syria không tuân thủ nghị quyết.

Nga đã tuyên bố sẵn sàng phản đối dự thảo nghị quyết này trong khi Trung Quốc - một trong năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, cũng bày tỏ quan ngại về "sự thay đổi chế độ" ở Syria. Trước đó, hồi tháng 10/2011, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết về Syria được phương Tây ủng hộ.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh ngày 2/2 cho biết Jordan đã rút các quan sát viên nước này khỏi sứ mệnh giám sát Syria của AL. Quyết định ngừng sứ mệnh giám sát được Jordan đưa ra từ hôm 28/1 do tình trạng bạo lực tại Syria leo thang, song vẫn chưa được thông báo chính thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục