LHQ: Sẽ vẫn có trên 192 triệu người thất nghiệp trong năm 2018

Theo ILO, mặc dù nền kinh tế thế giới duy trì được đà tăng trưởng, tổng số người thất nghiệp có thể vẫn cao trong năm nay, với trên 192 triệu người và việc có chất lượng sẽ khó khăn hơn.
LHQ: Sẽ vẫn có trên 192 triệu người thất nghiệp trong năm 2018 ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Jammu, Ấn Độ ngày 19/5/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mặc dù nền kinh tế thế giới duy trì được đà tăng trưởng, tổng số người thất nghiệp có thể vẫn cao trong năm nay, với trên 192 triệu người và việc tìm công việc có chất lượng sẽ khó khăn hơn.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu đã bình ổn, song tình trạng thiếu công việc có chất lượng vẫn phổ biến, do nền kinh tế thế giới vẫn không tạo ra đủ việc làm.

Do đó, ông kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng việc làm và đảm bảo những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân chia đồng đều.

Báo cáo của ILO có tên "Việc làm của thế giới và Triển vọng xã hội: Những xu hướng năm 2018" đã nghiên cứu các xu hướng việc làm và xã hội trên thế giới nói chung và từng khu vực nói riêng, đồng thời phân tích những thay đổi mang tính cơ cấu và những tác động đối với lĩnh vực việc làm trong tương lai.

Báo cáo dự đoán tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu giảm trong năm 2018, đánh dấu bước ngoặt sau ba năm khủng hoảng, và về cơ bản duy trì được xu hướng này trong năm 2019.

[Tỷ lệ thất nghiệp quý 4/2017 ở Hong Kong thấp kỷ lục]

Tuy nhiên, với số lượng người gia nhập thị trường việc làm gia tăng, tổng số người thất nghiệp có khả năng sẽ tiếp tục ở mức trên 192 triệu người trong năm 2018 và tăng thêm 1,3 triệu người trong năm 2019.

Báo cáo cũng lưu ý rằng số lao động nằm trong nhóm dễ bị tổn thương, như tự kinh doanh hay làm việc cho gia đình, có thể sẽ gia tăng trong những năm tới.

Thế giới đã từng đạt được những thành tựu đáng kể trong nỗ lực giảm bớt số lao động dễ bị tổn thương, song tiến triển này về cơ bản đã chững lại kể từ năm 2012.

Năm 2017, ước tính có khoảng 42% số lao động, hay 1,4 người thuộc diện lao động dễ bị tổn thương. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tiếp tục đặc biệt cao ở những nước đang phát triển và mới nổi, đứng ở mức 76% và 46% tương ứng. Đáng lo ngại là số lao động dễ bị tổn thương dự kiến tăng 17 triệu người/năm trong các năm 2018 và 2019.

Tương tự, thị trường lao động toàn cầu chỉ đạt được tiến triển yếu ớt trong việc giải quyết tình trạng có việc làm song vẫn sống dưới mức nghèo đói.

Trong năm 2017, tình trạng có việc làm song vẫn cực nghèo tiếp tục phổ biến, với việc hơn 300 triệu người lao động tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi có thu nhập bình quân đầu người chưa tới 1,9 USD/ngày.

Theo nhà kinh tế Stefan Kühn, tác giả của báo cáo trên, tại các quốc gia đang phát triển, tiến triển trong nỗ lực giảm bớt tình trạng này quá chậm, không theo kịp lực lượng lao động ngày một gia tăng.

Số người lao động sống trong cảnh cực nghèo đó dự kiến tiếp tục đứng ở trên mức 114 triệu người trong những năm tới, tương đương với 40% tổng số người có việc làm trong năm 2018.

Trái lại, các quốc gia mới nổi đã đạt được tiến triển đáng kể trong nỗ lực này, khi chưa tới 8%, hay 190 triệu người có việc làm ở những nước này, vẫn cực nghèo trong năm 2017.

Tính chung trên toàn cầu, số người sống trong cảnh cực nghèo đói tiếp tục giảm, giúp cho số lao động cực nghèo giảm 10 triệu người/năm trong các năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, tình trạng có việc làm song vẫn nghèo, tức là lao động sống với thu nhập trong khoảng 1,9-3,1 USD/ngày, vẫn phổ biến, ảnh hưởng tới 430 triệu lao động tại các nước mới nổi và đang phát triển trong năm 2017.

Báo cáo cũng xem xét ảnh hưởng của tình trạng lão hóa dân số. Tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động toàn cầu sẽ không đủ đề bù đắp cho số người về hưu đang tăng nhanh. Độ tuổi lao động trung bình dự kiến sẽ tăng từ mức chưa tới 40 tuổi trong năm 2017 lên 41 tuổi trong năm 2030.

Theo Giám đốc bộ phận nghiên cứu của ILO, ông Sangheon Lee, ngoài thách thức mà lượng người về hưu gia tăng gây ra cho hệ thống lương hưu, lực lượng lao động ngày càng già nua cũng có thể gây tác động trực tiếp tới các thị trường lao động như làm giảm giảm năng suất lao động và làm chậm lại tốc độ điều chỉnh thị trường lao động sau các cú sốc kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục