Liên đoàn Arập kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Libya

Hội nghị ngoại trưởng Liên đoàn Arập ngày 2/3 kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Libya, khẳng định ủng hộ chủ quyền, an ninh của quốc gia này.
Hội nghị ngoại trưởng Liên đoàn Arập (AL) tại Cairo ngày 2/3 đã ra nghị quyết kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Libya, khẳng định ủng hộ chủ quyền và an ninh của quốc gia Bắc Phi này.

Nghị quyết cũng "bác bỏ mọi hình thức can thiệp của nước ngoài vào Libya," nhấn mạnh đàm phán là giải pháp tốt nhất để bảo vệ người dân. Nghị quyết cho biết AL sẽ cân nhắc các bước tiếp theo để bảo đảm an toàn cho người dân Libya, bao gồm khả năng ủng hộ lập vùng cấm bay tại nước này.

Các ngoại trưởng cũng quyết định hoãn hội nghị cấp cao thường niên của AL, dự kiến diễn ra trong tháng này tại Baghdad (Iraq), đến cuối tháng Năm do tình trạng bạo lực ở một số nước trong khu vực.

Các cường quốc phương Tây đang thảo luận khả năng lập vùng cấm bay ở Libya và can thiệp quân sự để trợ giúp lực lượng chống nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Tuy nhiên, phát biểu tại Ủy ban phân bổ Ngân sách của Thượng viện Mỹ ngày 2/3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington vẫn chưa quyết định có áp đặt vùng cấm bay ở Libya hay không.

Giới lãnh đạo quân sự Mỹ cho rằng việc áp đặt vùng cấm bay ở Libya hết sức phức tạp trong khi NATO vẫn chưa nhất trí về bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Libya.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, việc thiết lập một vùng cấm bay sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công vào Libya để làm tê liệt hệ thống phòng không của nước này.

Trong khi đó, nguồn tin từ Tripoli cho biết ngày 2/3, một số tàu chiến của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Italy và Hàn Quốc đã xuất phát theo lộ trình hướng về Libya.

Tin từ cơ quan quản lý kênh đào Suez xác nhận hai tàu đổ bộ tấn công USS Kearsarge và US Ponce của Mỹ, với một hạm đội máy bay lên thẳng, các thiết bị y tế, 800 lính thủy đánh bộ và 400 lính tăng cường đã đến Địa Trung Hải. Tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển USS Barry cũng đã đến kênh đào Suez.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 2/3 đã công bố một chương trình viện trợ khẩn cấp trị giá 38,7 triệu USD dành cho 2,7 triệu người bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ở Libya. WFP cho biết các kho lương thực đã cạn kiệt và các mạng lưới cung ứng đã bị phá vỡ ở Libya, đồng thời kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho nước này.

Tại Yemen, phe đối lập ngày 2/3 đã trao cho Tổng thống Ali Abdullah Saleh bản lộ trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong vòng một năm.

Theo lộ trình, phe đối lập đưa ra một loạt yêu cầu trong đó có sửa đổi luật bầu cử, cách chức họ hàng của Tổng thống Saleh khỏi các vị trí lãnh đạo quân đội và các lực lượng an ninh, hủy bỏ các sửa đổi hiến pháp do đảng cầm quyền đơn phương đề nghị hồi đầu năm.

Phe đối lập đề xuất thực hiện lộ trình này trong năm 2011 với điều kiện Tổng thống Saleh cam kết không tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013.

Thủ lĩnh liên minh đối lập Mohammed al-Mutawaki cam kết nếu lộ trình được chấp thuận, phe đối lập sẽ nối lại đối thoại với chính phủ và tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc mà Tổng thống Saleh đề nghị.

Chính phủ Yemen chưa đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, tháng trước, Tổng thống Saleh đã cam kết không tái cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ và không trao quyền lực cho con trai ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục