Các quan chức ngoại giao ngày 26/6 dẫn số liệu mới nhất của các thanh sát viên hạt nhân Liên hợp quốc cho biết, Iran vẫn đang sở hữu lượng urani dưới ngưỡng tối đa làm giàu được quy định trong thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc thế giới hồi năm 2015 có tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tuy nhiên nước Cộng hòa Hồi giáo đang trên lộ trình đạt mức giới hạn vào cuối tuần này.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc xác nhận Iran sở hữu khoảng 200 kg urani làm giàu cấp độ thấp, dưới ngưỡng của thỏa thuận là 202,8 kg.
Một số nhà ngoại giao cho rằng, Iran đang sản xuất lượng urani với công suất khoảng 1kg/ngày, cho rằng nước này sẽ không thể đạt được mức giới hạn trong ngày 27/6 như từng tuyên bố.
Tuy nhiên, theo các nguồn ngoại giao thạo tin, Iran có thể vượt qua giới hạn sớm sau cuộc gặp với đại diện các nước thành viên còn lại của thỏa thuận hạt nhân ở thủ đô Vienna (Áo) trong ngày 28/6, nhằm mục đích cứu vãn văn kiện lịch sử này.
[Các nước châu Âu kêu gọi Iran tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân]
Hồi tuần trước, Iran thông báo sẽ vượt giới hạn thỏa thuận về urani làm giàu vào ngày 27/6. Iran cũng đã ra tối hậu thư 60 ngày cho các nước còn lại tham gia JCPOA nới lỏng trừng phạt đối với Iran trong các lĩnh vực tài chính và dầu mỏ. Trong trường hợp không đạt được điều này, Iran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani và xây dựng lò phản ứng hạt nhân Arak.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày 27/6 cảnh báo người đồng cấp Iran Hassan Rouhani rằng việc rút khỏi JCPOA, hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tehran sẽ phá vỡ thỏa thuận, sẽ là một sai lầm.
Phát biểu với phóng viên, Tổng thống Macron nêu rõ: "Tôi đã có một cuộc hội thoại với Tổng thống Rouhani vài ngày trước và tôi đã chỉ rõ rằng mọi sự phá vỡ thỏa thuận hay bất kỳ dấu hiệu nào theo hướng đó đều sẽ là một sai lầm."
Trong diễn biến khác, trước diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran, lãnh đạo Thượng viện Mỹ cho biết sẽ bỏ phiếu đối với đề xuất sửa đổi Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) nhằm ngăn chặn Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện các hành động quân sự chống lại Iran mà không được sự chấp thuận của Quốc hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell ngày 26/6 cho biết các nhà lãnh đạo Thượng viện đã thảo luận một thỏa thuận nhằm bỏ phiếu đề xuất sửa đổi NDAA do Thượng nghị sỹ Tim Kaine và Tom Udall khởi xướng.
Những sửa đổi này sẽ ngăn chặn Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng ngân sách để đưa ra hành động quân sự chống lại Iran mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Những người ủng hộ cho rằng Tổng thống Trump vẫn có thể đưa ra hành động quân sự mà không cần sự chấp thuận trong trường hợp quân đội Mỹ bị tấn công.
Tuy nhiên, dự luật sửa đổi này khó có thể đạt được 60 phiếu ủng hộ cần thiết để được bổ sung vào NDAA. Ngay cả khi tất cả nghị sỹ đảng Dân chủ ủng hộ dự luật này, thì văn kiện sửa đổi vẫn cần 13 phiếu từ các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa./.