Liên hợp quốc thúc đẩy nỗ lực giảm giá thành phân bón toàn cầu

Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo nếu không giảm giá thành, cuộc khủng hoảng phân bón hiện nay có thể còn trầm trọng hơn do vấn đề xung đột tại Ukraine.
Liên hợp quốc thúc đẩy nỗ lực giảm giá thành phân bón toàn cầu ảnh 1Nhà máy sản xuất phân bón tại Cherepovets, Nga. (Ảnh: Bloomberg)

Liên hợp quốc đang thúc đẩy các nỗ lực để giảm giá thành phân bón nhằm ngăn chặn một cuộc "khủng hoảng trong tương lai."

Thông tin này được bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) và là quan chức cấp cao của Liên hợp quốc tham gia các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy xuất khẩu phân bón của Nga, đưa ra ngày 3/10.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khiến giá phân bón tăng vọt.

Nga không chỉ là nhà cung cấp lúa mỳ lớn trên toàn cầu mà còn là một trong những nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở UNCTAD ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Grynspan cho rằng nếu không giảm giá thành, cuộc khủng hoảng phân bón hiện nay có thể còn trầm trọng hơn. Do đó, hiện Liên hợp quốc đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này.

Nga là một trong những nhà cung cấp kali, phân lân và phân đạm lớn nhất thế giới, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm 7%.

Nga cho rằng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này vấp phải những cản trở từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến việc xung đột tại Ukraine, bất chấp việc Moskva và Kiev đã ký thỏa thuận ngày 22/7, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

[Một số nước kêu gọi loại bỏ trở ngại với xuất khẩu phân bón của Nga]

Thỏa thuận đảm bảo tàu xuất khẩu nông sản được xuất phát từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen và Nga cũng sẽ được đảm bảo vận chuyển lương thực và phân bón mà không đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Theo Trung tâm điều phối chung đặt trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), 129 tàu chở 2,8 triệu tấn ngũ cốc đã rời các cảng ở Ukraine kể từ khi thỏa thuận được ký kết.

Các đợt xuất khẩu này đã giúp hạ nhiệt giá ngũ cốc và làm dịu lo ngại về một khủng hoảng lương thực toàn cầu bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nguồn cung ngũ cốc chủ chốt trên thế giới.

Tuy nhiên, phía Nga thông báo hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của riêng nước này tiếp tục bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây không nhằm trực tiếp vào nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục