Liên kết chuỗi gắn với chế biến - Xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị khép kín, đủ sức cạnh tranh và hướng tới hướng tới xuất khẩu.
Liên kết chuỗi gắn với chế biến - Xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi ảnh 1Đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng của một hộ chăn nuôi tại Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Hiện nay, tuy giá lợn hơi trong nước đã giảm, song được đánh giá vẫn ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Do giá lợn hơi ở mức cao nên giá thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng duy trì mức cao và sẽ gây bất lợi cho thị thường thịt lợn thương phẩm trong nước vì giá thịt lợn nhập khẩu đang thấp hơn.

Không chỉ thịt lợn mà với nhiều sản phẩm chăn nuôi khác, hiện điều này không còn chỉ là cảnh báo khi thực tế khi 11 tháng sản phẩm chăn nuôi đang thâm hụt thương mại gần 1,76 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chăn nuôi là một ngành hàng có tiềm năng lớn của nước ta. Tuy nhiên, khâu yếu nhất của ngành hàng chăn nuôi thời gian qua, đó chính là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm.

Đây là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa lợn từ cuối năm 2016 tới đầu năm 2017 một cách nghiêm trọng.

Với các hiệp định thương mại đã được ký kết, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được thực thi vào năm 2019, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang được xếp vào hàng có nhiều yếu thế.

Để củng cố ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện đối với hai khâu yếu nhất là chế biến và phân phối lưu thông.”

Ngành chăn nuôi sẽ phải khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị khép kín, đủ sức cạnh tranh và hướng tới hướng tới xuất khẩu.

[Khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế]

Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực lớn của Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI, cùng với các địa phương tập trung đưa những dự án chế biến hiện đại vào sản xuất.

Là địa phương có đàn lợn lớn, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, chuyển từ vùng có mật độ dân số cao đến vùng có dân số thấp, đặc biệt là phát triển liên kết chuỗi cho các hộ chăn nuôi.

Trong liên kết này có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có vốn, kỹ thuật, thức ăn, con giống… để tạo sinh kế, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người nuôi. Tỉnh đã quy hoạch được vùng chăn nuôi 260ha cho Tập đoàn Masan.

Khi có nhiều doanh nghiệp tham gia, người chăn nuôi có thể lựa chọn được các doanh nghiệp liên kết tốt.

Liên kết chuỗi gắn với chế biến - Xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cải thiện hai khâu yếu nhất đó phải có các doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị trong chăn nuôi một cách khép kín.

Từ con giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, nhà máy chế biến hiện đại lẫn tổ chức phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng theo phương thức hiện đại, có quy mô lớn. Các doanh nghiệp này không chỉ đủ sức cạnh tranh để chiến thắng ở thị trường nội địa, mà còn đặt mục tiêu làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể xuất khẩu.

Sắp tới, Tập đoàn Masan sẽ đưa Tổ hợp chế biến thị MNS Meat Hà Nam vào hoạt động với công suất 1,4 triệu con lợn/năm trong tương lai được kỳ vọng sẽ tạo hạt nhân thu hút tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Với định hướng phát triển chuỗi giá trị thịt. Masan đã chuyển từ một công ty đơn thuần sản xuất thức ăn chăn nuôi thành một công ty sản xuất thịt và sản phẩm từ thịt bằng việc đầu tư trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao MNS Farm Nghệ An. Cùng với đó là xây dựng Tổ hợp chế biến thị MNS Meat Hà Nam.

Trang trại lợn tại Nghệ An được đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, công suất sẽ cho ra 230.000 con lợn thịt/năm.

Trang trại quy mô kỹ thuật cao này cũng chính là mô hình chăn nuôi kiểu mẫu, sẽ được nhân rộng cho các hộ chăn nuôi có quy mô, kỹ thuật chăn nuôi tốt, sẵn sàng theo quy chuẩn của Masan tại Hà Nam.

Về Tổ hợp chế biến thị MNS Meat Hà Nam, ông Matthys van der Lely, Tổng Giám đốc cho biết, đây chính là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng để sở hữu một mô hình của chuỗi giá trị thịt.

Tổ hợp có toàn bộ quy trình sản xuất theo công nghệ thịt mát của châu Âu giám sát và kiểm nghiệm. Các sản phẩm thịt mát tại đây sẽ được tiêu thụ trên hệ thống siêu thị của Vinmart.

Để phát huy lợi thế của một nhà máy chế biến thịt lợn quy mô lớn tại tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, tại “thủ phủ” chăn nuôi Ngọc Lũ, Bình Lục, tỉnh đã chọn 10 hộ ở để Trung tâm Khuyến nông quốc gia hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Từ đó, sẽ có 6 hộ với 6.000 con đạt chứng nhận này.

Cục Chăn nuôi cũng xây dựng 6 mô hình và đã chọn được 4 mô hình với trên 5.000 con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây sẽ là nguồn cung nguyên liệu chất lượng, an toàn cho nhà máy.

Hà Nam cũng quy hoạch 12 khu chăn nuôi tập trung theo tiêu chính Masan quy định, để đảm bảo đầu vào của công ty. Đến năm 2020, Hà Nam sẽ có Trung tâm chăn nuôi với khoảng 100.000 con và năm 2025 sẽ có khoảng 300.000-400.000 con lợn đủ tiêu chuẩn cho Masan.

Để đáp ứng được đầu vào cho nhà máy, chính quyền địa phương sẽ phải vào cuộc quyết liệt vào cuộc để rà soát quy hoạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với tỉnh Hà Nam rà soát để quy hoạch những khu vực chỉ chuyên chăn nuôi lợn.

Như vậy mới có điều kiện để khuyến khích các hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đồng thời thuận lợi hơn cho việc hợp tác trong chăn nuôi, có điều kiện hơn để quản lý về môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Masan cũng phải vào cuộc để cùng tìm ra một phương thức hợp tác kinh tế trong liên kết sản xuất với người dân, như: con giống, thức ăn, hay kỹ sư chỉ đạo để sản xuất ra được sản phẩm đúng theo quy chuẩn của Masan, với một giá thành hợp lý nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục