Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám tăng 0,45% so với tháng Bảy và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời tăng 2,59% so với tháng 12 năm 2017. Như vậy, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8, CPI bình quân tám tháng đầu năm đã có mức tăng 3,52% so với cùng kỳ.
[Khai thác dầu từ tầng đá móng là cú hích kinh tế quan trọng]
Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong tháng có mức tăng 0,22% so với tháng Bảy và tăng 1,54% so với cùng kỳ, theo đó tám tháng qua chỉ số này chỉ nhích 1,38% so với cùng kỳ.
“Chỉ số lạm phát chung tám tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh những biến động giá là do yếu tố thị trường, cụ thể xuất phát từ các nhóm thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu và điều này đồng thời phản ánh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành ổn định,” bà Ngọc phân tích.
Giá thực phẩm đi theo thịt lợn
Báo cáo tháng từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều có mức tăng giá, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 0,87% và nhóm tăng thấp nhất là thuốc và dịch vụ y tế với 0,02%. Tách ra khỏi xu thế chung, nhóm hàng bưu chính viễn thông lại có sự điều chỉnh giảm 0,07%.
Chỉ ra các nguyên nhân làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng, theo bà Ngọc phải kể đến sự đi lên của nhóm thực phẩm do ảnh hưởng từ giá thịt lợn đang đắt đỏ hơn, bình quân giá mỗi kg thịt lợn đã tăng 3,41% so với tháng Bảy.
Thêm vào đó, tình trạng mưa bão và lũ quét diễn ra trong tháng khiến cho sản phẩm rau xanh thấp hơn và làm giá tăng 2,87%. Các yếu tố này đã khiến chỉ số giá tại nhóm thực phẩm tăng 1,12% và góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,25%.
Ngoài ra còn một số yếu tố khác gây ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, được bà Ngọc chỉ ra, bao gồm giá gas tăng 2,8% (từ 1/8), giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,42% và một số tỉnh, thành phố thực hiện tăng học phí đồng thời biến động tỷ giá cũng tác động lên các mặt hàng nhập khẩu (như xăng dầu, gas, ô tô, xe máy, rượu, thuốc lá, tua du lịch ngoài nước...).
Giá vàng giảm mạnh
Trong tháng, giá vàng trong nước có mức giảm mạnh theo biến động từ giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới bình quân (đến ngày 24/8) giảm 2,2% so với tháng Bảy đã khiến giá vàng trong nước đi xuống 1,41% và dao động quanh mức 3,67 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Ở chiều ngược lại, biến động tỷ giá trong nước khá cao do USD mạnh lên so với các đồng tiền khác khi trở thành tài sản an toàn trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động trước chính sách bảo hộ thương mại từ các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đặt dự báo về khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng Chín.
Trong nước, mặc dù tỷ giá của các ngân hàng thương mại và thị trường tự do có sự biến động theo xu hướng mạnh lên của USD. Tuy nhiên, bà Ngọc cho biết, "sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với lượng dự trữ ngoại tệ khá dồi dào đã giúp cho tỷ giá VND/USD duy trì mức dao động trong biên độ 3%. Cụ thể, tỷ giá bình quân ở thị trường tự do quanh mức 23.330 đồng/USD và tăng 1,12% so với tháng Bảy"./.