Liên kết kích cầu du lịch các tỉnh phía Bắc sau dịch COVID-19

Gần 200 công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch của các tỉnh phía Bắc đã tham gia Hội nghị liên kết kích cầu du lịch các tỉnh phía Bắc, tổ chức ngày 5/6, tại tỉnh Hà Tĩnh.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Hội nghị liên kết kích cầu du lịch các tỉnh phía Bắc, tổ chức ngày 5/6, tại tỉnh Hà Tĩnh, với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch 21 tỉnh, thành phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra) và gần 200 công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch của các tỉnh phía Bắc.

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã có những tác động hết sức nghiêm trọng lên toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; trong đó, du lịch là ngành chịu nhiều bất lợi nhất.

Thông qua các cuộc khảo sát được triển khai từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư vừa qua, gần 95% doanh nghiệp bị mất hoặc bị thu hẹp thị trường, gần 65% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh. Có tới 92% doanh nghiệp cho biết bị sụt giảm doanh thu trên 70%.

Tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các nhóm doanh nghiệp; trong đó, nặng nề nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hội nghị liên kết kích cầu du lịch các tỉnh phía Bắc là hoạt động nhằm khắc phục tình trạng khó khăn do hậu quả của dịch COVID-19; quảng bá, kích cầu du lịch Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh, thành miền Bắc nói chung.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp về liên kết, kích cầu du lịch, hợp tác phát triển du lịch trong cụm.

[Kích cầu du lịch Thái Nguyên gắn với 'Vòng cung Đông Bắc']

Các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp làm du lịch các tỉnh phía Bắc quan tâm đến phương án kích cầu du lịch như quảng bá các điểm đến trên phương tiện truyền thông; giảm giá vé tham quan để thu hút khách trở lại sau dịch COVID-19...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm tới việc phát triển du lịch bền vững theo định hướng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa-lịch sử, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao.

Việc tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội cũng được đề cập tới tại hội nghị.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Tĩnh cũng giới thiệu những gói sản phẩm, dịch vụ mới với nhiều ưu đãi đặc biệt nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Các công ty lữ hành, đơn vị quản lý, khai thác sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các ưu đãi để kích cầu du lịch như giảm giá từ 10-30% các chương trình du lịch trọn gói; áp dụng mức giá ưu đãi lớn đối với đơn vị, đại lý có số lượng khách lớn...

Các đại biểu cũng đã chứng kiến Lễ ký kết hợp tác triển khai chương trình kích cầu du lịch giữa 5 đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tỉnh Hà Tĩnh với đại diện 15 đơn vị kinh doanh lữ hành ở các tỉnh phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục