Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình theo hình thức BOT đã liên tục được Bộ Giao thông Vận tải lùi tiến độ hoàn thành thông xe vào trước ngày 30/4/2017.
Lý do dự án phải về đích trễ hẹn là do công tác giải phóng mặt bằng của thành phố Hà Nội chậm và vướng mắc khiến nhà thầu phải thi công mặt bằng "xôi đỗ" dù đã tích cực triển khai huy động máy móc và nhân công.
Mặt bằng “ngâm” tiến độ
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải)-đơn vị quản lý và điều hành dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình, dự án xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình có chiều dài 25,6km trong đó đoạn qua tỉnh Hòa Bình đã bàn giao được 18,9/19,3km (đạt 97%). Phần mặt bằng chưa giải phóng chỉ còn lại 400m dài đó là huyện Kỳ Sơn 250m và thành phố Hòa Bình 150m.
Tại địa phận Hà Nội, tổng diện tích địa phương đã bàn giao cho nhà đầu tư là 14,6ha/30,9ha (đạt 47,5%); diện tích mặt bằng đủ điều kiện thi công (các gói thầu đang thi công) là 8,8ha/14,6ha (chiếm 60%); diện tích đã bàn giao nhưng không thể thi công được là 5,8ha/14,6ha (khoảng 40%).
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đang công bố công khai các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của các hộ dân còn lại sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đất ở. Dự kiến, cuối tháng 11 và tháng 12/2016 sẽ giải quyết dứt điểm cho các hộ dân sử dụng đất nông nghiệp.
Đây không phải lần đầu tiên, Bộ Giao thông Vận tải thúc giục Hà Nội đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư BOT. Trong các cuộc họp trước đó, lãnh đạo Bộ này và Hà Nội đã “chốt” thời gian giải phóng xong mặt bằng xong từ tháng 9/2015 và liên tiếp gia hạn vào các tháng 6, 8, 10/2016.
Đối với các trường hợp đã rõ nguồn gốc sử dụng đất, thành phố Hà Nội yêu cầu huyện Thạch Thất khẩn trương chỉ đạo phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất chưa làm thủ tục đúng quy định thì phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho người sử dụng đất theo hồ sơ quản lý; nếu người sử dụng đất không nhận tiền bồi thường thì tạm gửi Kho bạc Nhà nước quản lý theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án 2, nhà đầu tư bố trí đầy đủ kinh phí giải phóng mặt bằng, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng phối hợp các Sở ngành đề xuất cơ chế chính sách cho các hộ dân tự lo tái định cư và các hộ dân canh tác sử dụng đất trên diện tích do Bộ Quốc phòng quản lý.
Sốt ruột trước mặt bằng “ngâm” tiến độ dự án, ngày 22/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ thi công dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, bảo đảm tiến độ dự án.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc bàn giao mặt bằng; khẩn trương tổ chức thực hiện dự án theo đúng hợp đồng BOT đã ký.
Thông xe trước ngày 30/4/2017
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 2, đến thời điểm này, tiến độ dự án đi qua tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành tới hơn 80% khối lượng khi các gói thầu đang khẩn trương triển khai thi công toàn bộ phạm vi đã được bàn giao mặt bằng như 09XL, 10XL, 11XL, 12XL, 13XL, 14XL, 15XL, 9 cầu trên tuyến đã thi công xong 100%.
“Đối với dự án qua địa phận tỉnh Hòa Bình, những đoạn đã có mặt bằng thi công nhà thầu đã cơ bản thi công xong nền đường, đang thi công lớp cấp phối đá dăm, thậm chí có đoạn đã thảm bê tông nhựa và đã hoàn thành trước ngày 30/10 vừa qua. Riêng với những đoạn chưa có mặt bằng thi công thì tiến độ hoàn thành trước ngày 31/3/2017,” lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 nhấn mạnh.
Với đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp nhận gia hạn tiến độ hoàn thành trước ngày 30/4/2017 cho nhà đầu tư BOT vì vướng mặt bằng, thi công xôi đỗ, hoặc có gói thầu chưa bàn giao được một mét mặt bằng nào khiến các nhà thầu “án binh bất động” trong việc thi công.
Nhằm thúc tiến độ dự án, Ban quản lý dự án 2 đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, xử lý dứt điểm các điểm còn vướng mặt bằng; xem xét việc ban hành cơ chế đặc thù để rút ngắn trình tự, thủ tục (thời gian thẩm định, phê duyệt...) đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Với nhà đầu tư, Ban quản lý dự án 2 yêu cầu tăng cường nhân sự điều hành, lập kế hoạch thi công chi tiết, tập trung nguồn lực, huy động bổ sung các mối thi công (cầu, công trình thoát nước, nền móng đường...) triển khai thi công các hạng mục công việc còn lại; cương quyết thay thế các nhà thầu năng lực yếu kém không đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án./.