'Lình xình' trong đấu thầu thi công dự án vệ sinh môi trường TP.HCM

Những vấn đề "lình xình" liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu XL-02 Dự án vệ sinh môi trường Thành gây ảnh hưởng lớn tiến độ của của dự án cũng như tiếp tục phát sinh các vấn đề khác.
'Lình xình' trong đấu thầu thi công dự án vệ sinh môi trường TP.HCM ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione thị sát dự án Vệ sinh môi trường (giai đoạn 2). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Những vấn đề "lình xình" liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu XL-02, Dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đang đẩy dự án vào tình thế khó khăn, nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) có thể xem xét tạm dừng gia hạn dự án hoặc phát sinh khiếu kiện đơn vị trúng thầu đã ký hợp đồng.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để sớm giải quyết các vấn đề liên quan, tránh kéo dài vụ việc.

Dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003, thực hiện bằng vốn vay của WB và ngân sách thành phố.

Năm 2014, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định phê duyệt đầu tư với tổng số vốn 524 triệu USD; trong đó, vốn vay ODA từ WB là 450 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.572 tỷ đồng (tương đương 74 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án từ 2015-2020.

Quy mô dự án gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 2 là xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè với công suất thủy lực 48.000 m3/ngày và 34.000 m3/giờ, công suất hữu cơ tương đương 620.000 PE.

Gói thầu XL-02 (thiết kế-xây dựng-vận hành Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè) có giá trị 307 triệu USD; trong đó, vốn vay WB là 278 triệu USD, ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 616 tỷ đồng (tương đương 29 triệu USD).

Sau khi công bố đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển, có 7 nhà thầu đạt hồ sơ sơ tuyển và sau đó có 5/7 nhà thầu đạt sơ tuyển dự thầu.

Trải qua các bước lựa chọn nhà thầu từ năm 2015 và qua đánh giá hồ sơ, năng lực các nhà thầu, ngày 7/3/2019, Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (nay đã sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) đã quyết định phê duyệt chọn nhà thầu là liên danh Acciona (Tây Ban Nha) và Vinci (Pháp) bỏ thầu hơn 240 triệu USD.

Ngày 8/3/2019, hợp đồng nói trên được ký kết.

Tuy nhiên, ngay sau đó đã phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện của các liên danh tham dự đấu thầu là Liên danh Samsung-Kolon-TSK và Liên danh Suez-Posco cùng với ý kiến của các cơ quan thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết các khiếu nại này theo đúng quy định của pháp luật.

Các kiến nghị của hai liên danh này tập trung vào kết quả lựa chọn nhà thầu, công nghệ và năng lực của bên trúng thầu; trong đó Liên danh Samsung-Kolon-TSK cho rằng mình không có xung đột lợi ích với công ty tư vấn đấu thầu của gói thầu (Công ty Nippon Koei); hay liên danh Suez-Posco cho rằng việc đánh giá các hồ sơ dự thầu chỉ xem xét về giá, không xem xét về công nghệ đồng thời cho rằng công nghệ, năng lực, kinh nghiệm của liên danh trúng thầu không đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Về những nội dung kiến nghị này, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định những kiến nghị, khiếu nại của các liên danh là không có cơ sở, hoạt động lựa chọn thầu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như tuân theo Hướng dẫn đấu thầu mua sắm của WB.

Ngày 25/9/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.

[Những dự án nghìn tỷ đồng nào trong tầm ngắm kiểm toán năm 2019?]

Tại đây, đại diện WB đã có ý kiến Ngân hàng Thế giới đã có các thư vào ngày 5/8/2019 và 23/9/2019 khẳng định quá trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện tuân thủ theo Hướng dẫn đấu thầu mua sắm cũng như thống nhất theo các thỏa thuận pháp lý giữa Việt Nam và WB.

Tại cuộc họp này, WB tái khẳng định với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh rằng gói thầu XL-02 là một gói thầu lớn, quan trọng, đấu thầu phức tạp và rất khó khăn, mất nhiều thời gian để thực hiện. Các bước của quá trình đấu thầu đã tuân thủ theo đúng hướng dẫn của WB. Kết quả từng bước đấu thầu cũng được các chuyên gia cao cấp nhất về đấu thầu, luật sư của WB xem xét, thông qua, đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng trong đấu thầu.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, WB cho rằng cácvấn đề cụ thể trong các khiếu kiện vừa qua của Liên danh Samsung-Kolon-TSK và Liên danh Suez-Posco là không có cơ sở vì đã được WB xem xét kỹ lưỡng trong quá trình sơ tuyển và đánh giá đấu thầu. WB sẽ không thay đổi các quyết định đã được xem xét kỹ lưỡng của mình. WB đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp cùng Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam (kể cả ở cấp cao nhất) xem xét xử lý khiếu kiện.

Để sớm triển khai dự án này, WB đề nghị xử lý khiếu kiện tiến hành song song, tách biệt với việc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng đã ký với nhà đầu tư từ đầu tháng 3/2019, nhưng đến nay vẫn chưa chi trả được tạm ứng để công bố hợp đồng có hiệu lực, tiến hành thực hiện hợp đồng do có các khiếu kiện nêu trên. Có nhiều rủi ro lớn nếu tiếp tục chậm thực hiện hợp đồng, kể cả việc WB xem xét tạm dừng việc gia hạn dự án, hoặc có thể dẫn đến các kiện tụng không mong muốn từ Liên danh Acciona-Vinci. Vì quyền lợi của thành phố, WB đề nghị các cấp chính quyền thành phố, đặc biệt là chủ đầu tư phải nỗ lực để thực hiện hợp đồng đã ký trong thời gian sớm nhất.

Những “lình xình” liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu XL-02 đang gây ảnh hưởng lớn tiến độ của của dự án cũng như tiếp tục phát sinh các vấn đề khác, nhất là liên quan đến pháp lý, khiếu kiện kéo dài nếu không được xử lý dứt điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục