Nhân kỷ niệm 70 năm tuổi, gia đình NSND Xuân Huyền cùng với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cùng tổ chức một “liveshow kịch" để tôn vinh người nghệ sỹ tài danh của sân khấu phía Bắc. Năm vở diễn do NSND Ngô Xuân Huyền dàn dựng sẽ được công diễn trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật “NSND Ngô Xuân Huyền-Mùa xuân và Sân khấu Kịch Việt Nam.” 5 vở diễn chào xuân Đây là chương trình hoạt động theo mô hình xã hội hóa nhằm giới thiệu 5 vở diễn do NSND Ngô Xuân Huyền dàn dựng nhiều năm qua, đã tạo được dấu ấn nghề nghiệp cho nghệ sĩ và được người xem đánh giá cao. Năm vở được biểu diễn là: "Tiếng chuông chùa” - vở diễn khai mạc tối 6/1/2012 (do Nhà hát kịch Tuổi Trẻ thể hiện, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước viết kịch bản, NSND Ngô Xuân Huyền và NSƯT Anh Tú đạo diễn); "Nhà có ba chị em” (do Nhà hát kịch Tuổi Trẻ biểu diễn, kịch bản của Nguyễn Thu Phương), "Một cây làm chẳng nên non” (do Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn, kịch bản của Nguyễn Đăng Chương); "Cái chết chẳng dễ dàng gì” (do Nhà hát Kịch Quân đội biểu diễn, kịch bản của Xuân Đức); "Cát bụi” (do Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn, kịch bản của nhà văn Triệu Huấn). Theo NSND Lê Tiến Thọ-Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Đây là lần đầu tiên Hội phối hợp với các tổ chức doanh nghiệp và gia đình nghệ sĩ tổ chức chương trình để vinh danh nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật.” Năm vở kịch do 4 đoàn nghệ thuật biểu diễn, vì vậy, chương trình "NSND Ngô Xuân Huyền - Mùa xuân và sân khấu kịch Việt Nam” ngoài ý nghĩa tôn vinh một đạo diễn kịch gạo cội, còn là một liên hoan sân khấu nhỏ, một cơ hội dịp cho các nghệ sĩ giao lưu, trau dồi kinh nghiệm trong quá trình lao động nghệ thuật. NSND Lê Tiến Thọ-Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói: "Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền có ưu điểm là anh xuất phát từ vốn cổ truyền thống-tuồng, sau đó ứng dụng và sáng tạo vào kịch, chèo, cải lương. Do đó, không gian trong vở kịch do anh đạo diễn rộng mở và ngược lại những vở tuồng do anh đạo diễn và không đơn điệu, ước lệ như nhiều đạo diễn khác thường làm. Anh cũng yêu cầu diễn viên và các nghệ sĩ khác lao động nghệ thuật một cách rất nghiêm túc để trở thành ngọn lửa nghệ thuật.” Nói về phong cách làm nên tên tuổi của NSND Ngô Xuân Huyền, NSƯT Lê Chức cho rằng: "Đó là phong cách nghệ thuật chính luận, như anh tự nhận xét về mình: Dù tôi có làm hài thì cuối cùng cũng quy về chính luận mà thôi”. Năm vở diễn thì chưa thể nói hết được về cả một cuộc đời cống hiến của NSND Ngô Xuân Huyền. Tuy nhiên, đó cũng là sự tri ân với nghệ sĩ và góp phần khơi gợi tình yêu nghệ thuật cho các thế hệ nghệ sĩ đang theo học tại các trường nghệ thuật và người xem. Phương thức xã hội hóa này có thể coi là bước đi tiên phong để tôn vinh các nghệ sĩ thành danh của sân khấu, bởi lẽ chúng ta còn nhiều nghệ sĩ khác cũng cần có những chương trình tôn vinh riêng như thế này, giống như chương trình "Con đường âm nhạc” tôn vinh các nhạc sĩ... NSND Xuân Huyền tâm sự: “Tôi bây giờ đã ốm yếu đi rất nhiều. Tôi bị tiểu đường biến chứng, lại bị bệnh gút và gần đây nhất bị tai biến. Mắt tôi đã mờ. Giọng nói đã yếu. Ông trời không cho tôi làm nghề thêm nữa. Bởi vậy, tôi hồi hộp và vui sướng lắm khi lại được làm nghề một lần nữa. Đây là lần đầu tiên hội sân khấu tổ chức một chương trình sân khấu như thế này, tôi thật sự hân hạnh. Tôi sẽ lại được đứng trên sân khấu cùng các bạn.” Tên tuổi không thể bóng hơn Theo ông Nguyễn Đăng Chương-Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Rất nên khuyến khích những chương trình như của NSND Xuân Huyền lần này. Thứ nhất, đó là dịp khán giả được xem những vở diễn có chất lượng cao. Thứ hai, đây là dịp giao lưu của các đoàn, các nghệ sĩ rất quý. Đặc biệt, cả 5 đêm đều phục vụ miễn phí nên công chúng có cơ hội đến với sân khấu." Cũng theo ông Chương, nếu ai đó không hiểu biết lại cho rằng đây là dịp người nghệ sĩ đánh bóng tên tuổi là sai lầm nghiêm trọng. Vì tên tuổi NSND Xuân Huyền đã "bóng" đến mức không cần "đánh" thêm nữa. Cách đây mấy năm ông đã bị đột quỵ, giờ tổ chức các đêm diễn đâu phải là để củng cố tên tuổi nhằm tiếp tục dàn dựng gì thêm. Tất cả chỉ là con cháu, học trò và khán giả cùng nhau tôn vinh, tri ân NSND Xuân Huyền, chứ không hề có ý đồ quảng bá gì cho cá nhân một đạo diễn tài danh như ông. Còn theo tác giả kịch bản Chu Thơm: "Trong 'thảm họa kịch bản chất lượng thấp' thì có đạo diễn tay nghề cao lại thẳng thắn như bác Xuân Huyền là rất quý. Bác kén kịch bản mặc dù bác không giàu. Tính thẳng thắn nên bác không ngại nói với tác giả: 'Vở ông kém lắm tôi không làm!' Nhưng một khi đã làm thì ông không sửa kịch bản một cách thô bạo…" Ông Chu Thơm nhấn mạnh: "Có thể nói dựng kịch tâm lý, khó ai vượt qua được đạo diễn Xuân Huyền. Đó là một con người để lại dấu ấn rất sâu qua từng vở diễn. Các vở mà khán giả đã xem khó có thể quên là 'Bến bờ xa lắc,' 'Cát bụi,' 'Nhà có ba chị em' cùng nhiều vở diễn khác."/.
NSND Ngô Xuân Huyền được đào tạo nghề nghiệp một cách bài bản tại Liên Xô (cũ). Trở về nước, ngoài công tác giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, đào tạo ra nhiều nghệ sĩ tên tuổi, những nhà quản lý của nhiều đoàn nghệ thuật, ông còn đạo diễn khoảng 300 vở diễn lớn nhỏ. Đây là một con số kỷ lục đáng nể. Theo NSƯT Lê Chức: "Rất nhiều vở diễn do NSND Ngô Xuân Huyền đạo diễn đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem. Để tạo ra một phong cách nghệ thuật – "Huyền kều” – biệt danh mà đồng nghiệp đặt cho ông, do dáng người cao của ông - là cả một quá trình lao động nghệ thuật hăng say bền bỉ nhiều năm tháng. Trong cuộc sống anh tranh luận hăng say và sôi nổi nhưng trong nghệ thuật lại rất tinh tế...” |
Nguyễn Anh (Vietnam+)