Lỗ hổng trong chương trình huấn luyện binh sỹ nước ngoài của Mỹ

Theo Thời báo Quân sự, có 5.181 học viên nước ngoài đến từ 153 quốc gia theo học khóa đào tạo hợp tác an ninh tại Mỹ.
Lỗ hổng trong chương trình huấn luyện binh sỹ nước ngoài của Mỹ ảnh 1Hiện trường vụ xả súng tại căn cứ Hải quân Mỹ ở Pensacola, bang Florida, ngày 6/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng asiatimes, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper muốn mở rộng chương trình Huấn luyện Quân đội Nước ngoài của Mỹ, nhưng hầu như không biết làm thế nào để bảo vệ các học viên hoặc các cộng đồng xung quanh.

Bộ trưởng Quốc phòng cũng không tìm kiếm hoặc nhận được báo cáo về các vấn đề và những nguy hiểm có thể có trong chương trình huấn luyện quân sự nước ngoài hoặc ngay cả khi chương trình này luôn hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.

Có nhiều câu hỏi đang được đặt ra về chương trình này sau khi một vụ nổ súng tại một căn cứ quân sự ở Florida khiến 3 người thiệt mạng, nhưng hầu hết vẫn chưa có câu trả lời.

Mặc dù chương trình đào tạo của Mỹ thường được xem là có hiệu quả - theo quan điểm của Mỹ, song không phải lúc nào cũng vậy.

Ví dụ như các binh sỹ do Mỹ huấn luyện đến từ Mali. Báo cáo Chính sách đối ngoại cho thấy quân đội Mali hiện đang bị buộc tội tàn sát người Arập và Tuareg" và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Mỹ đã chi 25 tỷ USD để huấn luyện cho quân đội Iraq, một số được huấn luyện tại Mỹ, nhưng sau đó được những người Shi’ite thân Iran tiếp quản với quy mô lớn.

[Mỹ dừng chương trình huấn luyện quân sự cho binh sỹ Pakistan]

Mỹ đã huấn luyện các binh lính Nicaragua, nhưng Nicaragua nhìn chung lại thù địch với Mỹ. Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân đội Liban và cung cấp các khóa huấn luyện cho nước này mặc dù thực tế là Liban nằm dưới sự kiểm soát của Hezbollah, một nhóm khủng bố nổi tiếng với các cuộc tấn công Israel và sát hại các nhân viên hàng đầu của Mỹ ở Liban, kể cả vụ tra tấn và thủ tiêu điệp viên CIA William Francis Buckley.

Từ năm 2000, Báo cáo Huấn luyện Quân sự Nước ngoài hàng năm bắt đầu được trình lên Quốc hội, trong đó trình bày công tác huấn luyện nhân viên quân sự nước ngoài của Mỹ.

Báo cáo tập trung vào việc ca ngợi chương trình và không phê phán những nguy hiểm hay thiếu sót của chương trình này.

Pensacola Florida, trụ sở của Căn cứ Không quân-Hải quân nơi học viên phi công người Saudi Arabia Mohammed Alshamrani đã sát hại 3 sinh viên, vẫn chưa được hoạt động trở lại sau vụ tấn công.

Căn cứ vẫn bị đóng cửa, trong khi Hải quân gọi đó là "xong nhiệm vụ và tạm ngừng hoạt động."

Bộ chỉ huy Bắc Mỹ (USNORTHCOM) cũng chỉ thị cho tất cả các cơ sở quân sự "rà soát các biện pháp bảo vệ lực lượng" và tăng cường "các biện pháp an ninh bất ngờ."

Nhưng tại Pensacola, không có chuyến bay nào, việc tiếp cận căn cứ hết sức bị hạn chế và việc tham quan Bảo tàng Hàng không Hải quân của căn cứ này hoàn toàn bị ngăn chặn. Chính xác là không rõ các biện pháp an ninh nghiêm ngặt tại Pensacola sẽ được duy trì trong bao lâu.

Hiện có 850 học viên Saudi Arabia đang được huấn luyện quân sự tại Mỹ. Theo người dân địa phương, một số học viên Saudi Arabia luôn được nhận ra bởi những chiếc xe đắt tiền và lạ mắt mà họ lái quanh thị trấn.

Theo Thời báo Quân sự, có 5.181 học viên nước ngoài đến từ 153 quốc gia theo học khóa đào tạo hợp tác an ninh tại Mỹ.

FBI đang xem vụ sát hại Mohammed Alshamrani là một sự cố "sói đơn độc." Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy đánh giá này là sai.

Đầu tiên, bằng chứng cho thấy giữa khóa huấn luyện, Thiếu úy Alshamrani đã trở về Saudi Arabia để nghỉ phép. Trong thời gian đó, người ta tin rằng Alshamrani có thể đã bị cực đoan hóa. Không may là không có bằng chứng cụ thể. Gia đình Alshamrani nói rằng họ không biết gì về việc con trai họ trở thành phần tử cực đoan và chưa bao giờ nghi ngờ như vậy.

Thứ hai, Alshamrani đã đăng tải những thông điệp trên Twitter rằng anh ta chống cả Mỹ và Israel, cho thấy người này có ý định hành động chống Mỹ, khi nói rằng "việc đếm ngược đã bắt đầu."

Những tuyên bố như vậy là điển hình của những kẻ khủng bố Hồi giáo, và thông báo trên Twitter được đưa ra 4 tháng trước khi xảy ra vụ nổ súng, cho thấy kế hoạch nghiêm túc đã được vạch ra từ sớm cho vụ tấn công.

Thứ ba, Alshamrani đã bí mật tới New York 3 ngày trước vụ nổ súng. Anh ta đã từng đến đây để thăm quan Bảo tàng 11/9, nơi tái hiện câu chuyện Tòa Tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới, Lầu Năm Góc và trụ sở Quốc hội Mỹ bị tấn công bởi những kẻ không tặc theo kế hoạch của Osama Bin Laden.

Một số tên không tặc này đã được huấn luyện lái máy bay ở Mỹ - nhưng không phải là huấn luyện quân sự.

Liệu có phải chuyến đi của Alshamrani chỉ là một chuyến hành hương để tôn vinh những kẻ khủng bố trong vụ 11/9, hay là chuyến đi để gặp những chỉ huy của anh ta? Không ai biết và không rõ liệu FBI đang theo dõi chuyến đi tới New York của anh ta hay không.

Thứ tư, Alshamrani đã khai thác một lỗ hổng trong luật về sở hữu súng đạn của Florida để mua khẩu súng ngắn bán tự động mà anh ta sử dụng trong vụ tấn công.

Mặc dù người nước ngoài không được phép mua súng ở Mỹ, bang Florida đã tạo ra một ngoại lệ cho hoạt động săn bắn. Tuy nhiên, súng ngắn không phải là vũ khí săn bắn, vì vậy để có được súng và không phải trả lời các câu hỏi, Alshamrani cần sự giúp đỡ của một người bán súng và dường như anh ta đã tìm thấy người này.

Không chắc là Alshamrani biết cách phá vỡ mục đích rõ ràng của luật pháp bang và liên bang, nhưng anh ta đã biết cách thực hiện nhiệm vụ và trước tiên anh ta đã có giấy phép đi săn và sau đó là giấy phép sử dụng súng. Điều đó cho thấy Alshamrani đã nhận được sự chỉ bảo hướng dẫn tốt. Nhưng từ ai?

Alshamrani, giống như các sinh viên Saudi Arabia đồng hương, xuất thân từ tầng lớp ưu tú của xã hội Arập, là con trai của những gia đình Arab giàu có và thành đạt.

Trong những năm qua, có nhiều kẻ khủng bố hàng đầu thế giới xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc gia đình giàu có, như George Habash, thủ lĩnh nhóm khủng bố Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine, một bác sỹ tốt nghiệp thủ khoa trường y.

Sau đó có Yaser Arafat, lãnh đạo Phong trào Giải phóng Palestine (PLO), người có trình độ đại học và có bằng kỹ sư dân dụng. Arafat xuất thân từ một gia đình trung lưu có uy tín và đáng kính.

Trùm khủng bố Osama Bin Laden khét tiếng, thủ lĩnh al-Qaeda, cũng được đào tạo để trở thành một kỹ sư dân sự và ngoài ra còn có bằng quản trị kinh doanh.

Y xuất thân từ một gia đình nổi tiếng và cực kỳ giàu có - có nguồn gốc từ Yemen - thân thiết với Hoàng gia Saudi Arabia.

Ngược lại, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh ISIS, xuất thân từ một gia đình trung hạ lưu, nhưng cha hắn có tước hiệu Sheikh - một thủ lĩnh bộ lạc và tôn giáo. Al-Baghdadi có bằng tiến sỹ về nghiên cứu Kinh Koran tại Đại học Saddam ở Baghdad.

Đối với Saudi Arabia, điều quan trọng nhất là Vương quốc Arab này có những vấn đề trong giới tinh hoa của họ, dựa trên những gì chúng ta biết về Alshamrani cho đến nay, cho thấy có thể có những kẻ cực đoan Hồi giáo trong quân đội Saudi Arabia, bao gồm cả Lực lượng Không quân Hoàng gia. Nếu đúng là có những kẻ cực đoan khác trong quân đội Saudi Arabia, điều đó có thể mang lại điềm gở cho tương lai của Vương quốc.

Mỹ không có kế hoạch gửi bất cứ sinh viên Saudi Arabia nào về nước hay ngừng tiếp nhận họ trong tương lai, mặc dù họ đang giam giữ các sinh viên Saudi Arabia đồng môn của Alshamrani.

Thay vào đó, có những lời kêu gọi xem xét chặt chẽ hơn hồ sơ của các ứng cử viên tham gia khóa huấn luyện tại Mỹ, nhưng cả Lầu Năm Góc và nhiều ý kiến khác đều không giải thích được làm thế nào để có thể thực hiện điều này, hoặc thậm chí liệu có thể thực hiện.

Đó không phải là một bí mật mà Mỹ phải dựa vào Saudi Arabia để bảo đảm cho sự không gian lận của các sinh viên quân sự được cử đến Mỹ, giống như cách Mỹ phải dựa vào những gì quân nhân ở các quốc gia khác nói về sinh viên của họ.

Không có dấu hiệu cho thấy điều này sẽ thay đổi hoặc có bất kỳ sự thay thế đáng tin cậy nào cho chương trình huấn luyện. Có vẻ như cũng không có bất cứ suy nghĩ nghiêm túc nào về cách văn hóa Mỹ tác động đến những sinh viên nước ngoài đến từ các xã hội truyền thống và hạn chế. Có một rủi ro lớn là thay vì bị ấn tượng bởi nước Mỹ, họ có thể dễ dàng nuôi dưỡng sự oán hận và tức giận sau khi sống ở Mỹ.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi mọi điều về họ được điều tra trước khi đến Mỹ, các sinh viên nước ngoài có thể trở nên thù địch do tiếp xúc với xã hội Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng, bất chấp tất cả các câu hỏi chưa được trả lời, sẽ tăng gấp rưỡi quy mô tổng thể của chương trình trong 5 năm tới, trừ phi Quốc hội không chấp thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục