Lỗ hổng về nuôi giết gấu

Nuôi giết gấu quý trái phép: Lỗ hổng từ nhà quản lý

Vì nuôi nhốt gấu không tuân thủ quy định pháp luật, ngành kiểm lâm thiếu trách nhiệm quản lý, đã khiến gấu cắn người và bị giết hại.
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, do không tuân thủ quy định pháp luật về nuôi nhốt gấu, mới đây cháu Vũ Hoàng Quân ở khu 8, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn đã bị con gấu nặng hơn 200kg cắn đứt hai tay. Ngay sau đó, vì tức giận, ông Tăng Đức-chủ nhân nuôi nhốt gấu đồng thời là bác của cháu Quân đã chỉ đạo người chích điện tiêu diệt “thủ phạm” gây án. Liên quan đến vụ việc trên, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Sơn chỉ đạo Công an và Hạt kiểm lâm huyện vào cuộc điều tra, xác minh mức độ vi phạm để xử lý hình sự đối với ông Tăng Đức về hành vi giết gấu quý trái pháp luật. Cái giá của “món quà trái phép” Nhắc lại sự việc đau lòng trên, ông Đức nghẹn ngào kể: Hôm đó gia đình người em tổ chức đám cưới cho con gái. Con cháu, họ hàng đến rất đông. Cháu Quân cũng được gia đình đưa sang chơi, tính cháu rất nghịch nên được mọi người để ý, không ai cho lại gần chuồng gấu sau nhà. Tuy nhiên, khoảng 10 giờ trưa ngày 10/9, bà Tăng Thị Hậu (vợ ông Đức) đưa cháu Quân ra gần chuồng gấu để cho gấu ăn, sau khi cháu Quân thò tay qua khe sắt vào để kéo ống nhựa trong chuồng ra thì bị gấu cắn đứt cả hai tay. Theo ông Đức, khi cháu Quân bị gấu cắn, bà Hậu cũng có mặt ở đó đã ra sức kéo Quân ra nhưng không nổi, nên chạy vào nhà gọi người ra giúp. Thế nhưng, khi ra đến nơi mọi người đã phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng “hai cánh tay của Quân đang nằm dưới nền ximăng, máu chảy, dính đầy vào lồng sắt.” Trước cảnh tượng thương tâm, nhiều người đã kịp bình tĩnh gọi điện lên Bệnh viện Thanh Sơn để được các y bác sĩ tư vấn nhanh chóng đưa cháu Quân lên bệnh viện cấp cứu đồng thời hướng dẫn cầm máu cho cháu qua điện thoại. Ngay sau đó, hai tay cháu Quân cũng được mọi người “xử lý” và ướp lạnh mang theo, với hy vọng có thể nối lại cánh đây cho cháu. Thế nhưng, cánh cửa cuộc đời của cháu Quân đã bước sang trang khác khi các bác sĩ chụp chiếu hai cánh tay bị đứt lìa của Quân cho biết không thể nối lại và phải tháo khớp vì gấu đã cắn nát các gân, cơ tay. Chia sẻ với phóng viên về nguồn gốc chú gấu quý, ông Đức thật thà kể, con gấu này được ông Ngô Đức Thành, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ đã về hưu tặng năm 2003. Vì chơi thân với con trai ông ấy, nên hôm ông Thành tặng gấu còn kèm theo cả chiếc lồng sắt kiên cố. [Giết hại động vật quý hiếm có thể bị phạt 1 tỷ đồng] “Thời điểm ông Thành tặng con gấu-nó chỉ nặng khoảng 100kg thôi, nhưng nuôi được một thời gian nó lớn nhanh. Sau đó, vì chuồng hẹp nên tôi cho thợ xây dựng lại chuồng mới để tiện nuôi nhốt và chăm sóc nó,” ông Đức nhớ lại. Theo ông Đức thì chú gấu này là món quà rất đáng trân trọng, nên ông nuôi để làm cảnh chứ không vì mục đích hút mật. Suốt 10 năm qua, gấu được gia đình cho ăn bí, bắp ngô, cơm nguội và một số loại hoa quả khác. Chính vì thế, con gấu này rất hiền lành, khỏe mạnh và nặng khoảng trên 200kg. “Tuy nhiên, vì quá đau lòng khi nghe tin cháu Quân bị gấu cắn đứt cả hai tay, nên tôi đã chỉ đạo người dùng điện tiêu diệt con gấu đã gắn bó với gia đình tôi suốt 10 năm trời,” ông Đức bức xúc nói.
Nuôi giết gấu quý trái phép: Lỗ hổng từ nhà quản lý ảnh 1
Bản tường trình giết gấu của ông Tăng Đức. (Ảnh: HC)
Lỗ hổng trong quản lý Có lẽ, sự việc sẽ không quá nghiêm trọng nếu như ông Đức không tự ý ra tay tiêu diệt con gấu. Bởi lẽ, gấu ngựa là loài động vật quý hiếm, thuộc nhóm 1B, cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, trước khi xảy ra vụ việc thương tâm trên, ông Đức đã bị Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ lập biên bản, xử lý 10 triệu đồng vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nhưng sau đó, con gấu vẫn không được gắn chíp, không bị tịch thu mà tiếp tục để ông Đức quản lý, nuôi trái phép. Hơn nữa, xét theo quy định về chuồng nuôi nhốt gấu tại Điều 3 Quyết định 95/2008/QĐ-BNN, ông Đức cũng không thực hiện đúng. Thay vì phải làm trại xung quanh có tường xây dày tối thiểu 20cm, cao tối thiểu 1,8m; đảm bảo vững chắc, an toàn, gấu không thể thoát ra ngoài, ông Đức chỉ làm chuồng cao khoảng 70cm và không được xây dựng kiên cố. Lý giải cho những thiếu sót nêu trên, ông Trần Quốc Toản, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần thuyết phục gia đình giao nộp gấu nhưng họ không chấp nhận. Còn việc gấu không được gắn chíp là vì đã qua thời hạn, nên phải đợi có dịp. Bởi việc gắn chíp cho gấu mất rất nhiều chi phí khi gắn, cũng như các bước kiểm tra tiếp theo. Ví dụ như gây mê nó cũng mất tới vài trăm nghìn, khi kiểm tra phải rà xem con chíp đó nằm ở đâu…” Theo khoản 2 Điều 2 của Quy chế quản lý gấu nuôi (ban hành kèm theo Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì “việc nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử hoặc nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp” là một trong ba hành vi bị nghiêm cấm. Tại điều 19, Nghị định 99/2009/NĐ-CP ban hành ngày 02/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng cũng quy đinh: Việc nuôi gấu không được gắn chíp, không có sổ đăng ký sẽ bị phạt hành chính ở mức từ 30 đến 50 triệu đồng đồng thời áp dụng biện pháp tịch thu tang vật. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, tại biên bản của Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ lập ngày 27/10/2011 nêu rõ ông Đức nuôi gấu không phép, bị phạt nhưng vẫn không bị tịch thu mà tiếp tục để ông Đức nuôi tiếp và dẫn đến hậu quả thương tâm xảy ra ngày 10/9 vừa qua. Biện chứng cho việc quản lý lỏng lẻo của mình, ông Nguyễn Quang Trọng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn nói: “Khi chúng tôi tới hỏi nguồn gốc con gấu thì tên Đức bảo quà của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ tặng, nhưng không có văn bản nào chứng minh lai lịch. Chả nhẽ, chúng tôi lại lên tỉnh hỏi nguồn gốc?” “Thực tế thì trường hợp nuôi nhốt gấu này là sai phạm, nhưng phạt đã khó chứ nói gì đến việc tịch thu. Thử hỏi, cả nước cho đến bay giờ đã tịch thu được bao nhiêu con gấu?,” ông Trọng phân bua. Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ cũng khẳng đinh: “Từ trước tới giờ cũng chỉ vận động người ta giao nộp thôi, còn tịch thu thì nói thật cũng khó. Ví dụ như ở Quảng Ninh, người ta mua hàng mấy trăm con mà có tịch thu được đâu?” Đề cập đến việc xử phạt, ông Đoàn cho biết: “Hành vi giết gấu trái phép này đã vượt thẩm quyền xử lý hành chính-tức là liên quan đến hình sự, nên chúng tôi đã làm văn bản để Công an huyện Thanh Sơn điều tra, xử lý.” Diễn biến vụ việc từ khi nuôi nhốt gấu đến khi tự ý giết hại gấu nuôi cho thấy, ông Đức đã vi phạm hàng loạt các quy định về nuôi nhốt gấu không đảm bảo an toàn về chuồng nuôi; không có hồ sơ, giấy tờ hợp pháp; không thực hiện việc gắn chíp; tự ý chích điện giết gấu. Các hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự. Theo đó, việc chích điện giết con gấu là vi phạm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, nghĩa là phạt tiền từ 50 đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm; hoặc bị tù từ 6 tháng đến 3 năm. Qua sự việc đáng tiếc nêu trên, có thể khẳng định Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn, Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ là đơn vị quản lý, thực thi pháp luật vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình. Và, nếu như gấu nuôi không được gắn chíp, không có cam kết nuôi nhốt, đảm bảo chuồng nuôi, mà vẫn không bị xử lý, tịch thu theo quy định thì hậu quả sẽ còn rất nghiêm trọng./.
Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục