Loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ hơn 500 tấn HCFC-141b vào cuối 2014

Đến cuối năm 2014, Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ hơn 500 tấn HCFC-141b sử dụng trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết đến cuối năm 2014, Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ hơn 500 tấn HCFC-141b sử dụng trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt, bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HCFC từ ngày 1/1/2015.

Phát biểu tại Hội thảo Khởi động dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực kho lạnh” do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức ngày 21/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuệ cho biết từ năm 1995 đến 2010, Việt Nam đã nỗ lực và hoàn thành nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ (nhập khẩu và sử dụng) các chất CFC, halon và CTC, những chất có hại cho tầng ozone.

Từ nay đến hết năm 2019, Việt Nam phải loại trừ tiêu thụ 900 tấn trên tổng số 3.600 tấn các chất HCFC, chủ yếu là HCFC-22 (còn gọi là gas lạnh R-22) được sử dụng trong lĩnh vực điều hòa không khí và kho lạnh thủy sản.

Hiện Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm và lựa chọn công nghệ, chất thay thế đáp ứng tiêu chí an toàn cho tầng ozone và hệ thống khí hậu như các bên tham gia Nghị định thư Montreal đã đặt ra, phù hợp với điều kiện kinh tế và khí hậu Việt Nam.

Để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm và lựa chọn công nghệ phù hợp cho lĩnh vực kho lạnh, UNIDO đã phối hợp với Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu xây dựng và triển khai dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực kho lạnh.”

Tháng 1/1994, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS). Là thành viên của Nghị định này, Việt Nam có nghĩa vụ loại trừ tiêu thụ các chất ODS và hạn định loại trừ do Nghị định thư quy định, đồng thời có quyền được nhận hỗ trợ tài chính và công nghệ để thực hiện các hoạt động loại trừ ODS.

Ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO cho biết trong khuôn khổ dự án này, công nghệ hydrocarbon (công nghệ mới thay thế các chất có hại cũ) sẽ được UNIDO và các nhà cung cấp thiết bị trình diễn, chuyển giao cho một số doanh nghiệp có kho lạnh với mục đích giảm thiểu các chất làm suy thoái tầng ozone.

Dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực kho lạnh” sẽ thành công tại Việt Nam, là bước đi vững chắc để phát triển các bước tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục