Lợi ích kinh tế của Đức sau chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Việc Đức gia tăng can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm bảo vệ hai lợi ích cốt lõi của nước này. Đầu tiên là đảm bảo mối quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực.
Lợi ích kinh tế của Đức sau chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Quảng trường Breitscheid ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhận định của chuyên gia phân tích Lidia Gibadło tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích kinh tế của Đức.

Điều này đã khiến Chính phủ Đức thông qua chiến lược khu vực với yếu tố chính là tăng cường hợp tác với các thành viên ASEAN và các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Mặc dù đây là một sự điều chỉnh trong chiến lược của Đức liên quan đến Trung Quốc - nước ngày càng bị coi là đối thủ cạnh tranh, nhưng việc triển khai chiến lược có thể bị hạn chế do Berlin lo ngại về việc xấu đi trong quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Vào đầu tháng 9/2020, Chính phủ Đức đã thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tài liệu này nhằm tạo cơ sở cho hành động của Đức trong một khu vực ngày càng có tầm quan trọng đối với kinh tế thế giới, nơi các lợi ích chính trị và an ninh của nhiều quốc gia đan xen.

Tuy nhiên, trọng tâm của chiến lược là phản ứng đối với một trong những thách thức cơ bản trong chính sách đối ngoại của Đức, đó là xác định lại quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù tài liệu không trực tiếp gọi tên Trung Quốc vì lo ngại có thể làm xấu đi mối quan hệ song phương, nhưng nội dung cho thấy các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực là một trong những lý do chính dẫn đến sự ra đời của chiến lược này.

Hai lợi ích cốt lõi

Việc Đức gia tăng can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm bảo vệ hai lợi ích cốt lõi của nước này. Đầu tiên là đảm bảo mối quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực.

Đối với Đức, châu Á (trong đó có Trung Quốc) là đối tác thương mại khu vực lớn thứ hai, sau châu Âu với tỷ trọng xuất-nhập khẩu lần lượt là 14,6% và 20%.

[Ngoại giao địa phương trong cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Ngoài ra, các thị trường châu Á vẫn là tâm điểm quan tâm thường xuyên của các công ty Đức. Năm 2018, Đức ghi nhận mức tăng đầu tư vào Trung Quốc (+5,5%), Ấn Độ (+6,1%), Hàn Quốc (+4,2%) và nhiều nước khác ở khu vực.

Mục tiêu thứ hai là đảm bảo sự ổn định trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trong khu vực (chiếm trên 20% thương mại của Đức năm 2018), điều kiện tiên quyết để thương mại và hoạt động của các công ty Đức được thông suốt, trong bối cảnh những lo ngại liên quan đến hậu quả của tranh chấp Mỹ-Trung.

Việc leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm suy yếu xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, điều này chủ yếu ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong đó có Đức.

Ngoài ra, nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ buộc Đức phải chọn đứng về phía Mỹ, vì đây là một đồng minh và bảo đảm an ninh chính, do đó gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Trung Quốc.

Một trong những lý do Đức công bố chiến lược trên là vì quan hệ với Trung Quốc đã xấu đi trong thời gian gần đây, liên quan đến thông tin sai lệch của Chính phủ Trung Quốc về phạm vi và cách xử lý dịch COVID-19, khiến virus lây lan ra bên ngoài Trung Quốc.

Đại dịch cũng cho thấy mức độ phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin. Ngoài ra, sự yếu kém về kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cũng làm tăng nguy cơ các công ty Trung Quốc thâu tóm các công ty trong Liên minh.

Một yếu tố khác trong quan hệ Đức-Trung Quốc là phản ứng của Bắc Kinh trước những chỉ trích của các nước EU (trong đó có Đức) về chính sách của Bắc Kinh đối với Hong Kong (Trung Quốc).

Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin lên án việc Đức đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Họ cũng tỏ ra không hài lòng trước cuộc họp của các nghị sĩ Đức với một nhóm đại diện vùng lãnh thổ Đài Loan trong năm nay. Cả hai sự kiện đều được phía Trung Quốc mô tả là “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”

Trong khi đó, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bị Đức coi là đe dọa sự ổn định của khu vực, cũng là một yếu tố quan trọng. Vào tháng 9/2020, với sự hợp tác của Pháp và Anh, Đức đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông vì trái với luật pháp quốc tế.

Một chiến lược toàn EU?

Do căng thẳng với Trung Quốc, Đức đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ trong khu vực, tìm cách tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, Ấn Độ hoặc Australia. Điều này nhằm thể hiện rằng Đức phản đối các hành động của Trung Quốc và sẵn sàng chống lại sự thống trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của một quốc gia duy nhất.

Chiến lược của Đức cũng là một phản ứng đối với chiến lược khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp và Mỹ. Đức, giống như Mỹ, có cái nhìn bi quan về các hành động của Trung Quốc, mặc dù nước này muốn tránh bị lôi kéo vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

Ngoài ra, Đức còn muốn đóng góp vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở cấp độ EU. Pháp, quốc gia có năng lực quân sự lớn hơn Đức, có các vùng lãnh thổ bên ngoài ở trong khu vực và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có vị thế mạnh hơn trong việc định hình các đường lối của EU.

Với việc công bố chiến lược riêng, Đức cho thấy nước này sẵn sàng tăng cường sự can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này sẽ cho phép Đức có nhiều ảnh hưởng hơn đến nội dung chiến lược của EU.

Tóm lại, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức cho thấy sự phát triển trong cách tiếp cận của nước này với Trung Quốc, nước ngày càng bị coi là đối thủ cạnh tranh. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi sự suy yếu hình ảnh của Trung Quốc trước dân chúng Đức và khả năng đảng Xanh sẽ tham gia vào Chính phủ sau cuộc bầu cử năm 2021.

Điều này củng cố vị thế đối đầu trong quan hệ với Trung Quốc. Cách tiếp cận này cũng mang lại cơ hội thuyết phục các thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tại Đức, vì nhiều người trong số họ đã phản đối việc các công ty Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G của Đức, cho rằng sự tham gia của công ty này là mối đe dọa đối với an ninh của Đức.

Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh trên sẽ chậm lại do tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Đức và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do đó, Đức sẽ không đưa ra các quyết định có thể làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Vì lợi ích của việc cải thiện quan hệ với Mỹ, Đức có thể sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ hơn về sự sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào các sáng kiến an ninh khu vực.

Chiến lược của Đức cũng có thể cung cấp động lực và cơ sở quyết định cho việc phát triển một chiến lược toàn EU đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho thấy rằng việc tập trung vào hợp tác với Trung Quốc sẽ giảm xuống và quan hệ trong khu vực sẽ đa dạng hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, triển vọng mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường trong khu vực và bản chất không đối đầu của chiến lược trên đối với Trung Quốc có thể sẽ thuyết phục các nước EU theo tầm nhìn của Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục