Long An chú trọng tháo gỡ khó khăn cho thương nhân xuất khẩu gạo

Long An khuyến khích thương nhân xuất khẩu đầu tư vùng nguyên liệu và người nông dân cùng hợp tác thông qua hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Long An chú trọng tháo gỡ khó khăn cho thương nhân xuất khẩu gạo ảnh 1Sở Công Thương Long An ước tính tổng sản lượng xuất khẩu gạo năm 2022 khoản 800.000 tấn. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Long An, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo; trong đó chú trọng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thương nhân xuất khẩu gạo.

Bởi vậy, Long An sẽ tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất và chế biến, xuất khẩu gạo; khuyến khích thương nhân xuất khẩu đầu tư vùng nguyên liệu và người nông dân cùng hợp tác thông qua hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; khuyến khích thương nhân đầu tư thêm công nghệ mới để chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị tăng thêm.

Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ những quy định của thị thường nhập khẩu yêu cầu; danh mục, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Long An tăng cường tuyên truyền cho doanh nghiệp nắm rõ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để tận dụng những cơ hội, ưu đãi mà hiệp định mang lại cho mặt hàng gạo nói riêng và hàng nông sản nói chung, cũng như những thách thức mà các thương nhân xuất khẩu gạo phải đối diện, từ đó doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp để hội nhập vào nền kinh tế chung của thế giới.

[Tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong 10 tháng vượt 6 triệu tấn]

Đặc biệt, Sở Công Thương Long An đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và duy trì thị trường truyền thống nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài; tổ chức thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để tìm hiểu nhu cầu, trao đổi kết nối giao thương mua bán sản phẩm hàng hóa.

Theo Sở Công Thương Long An, trên địa bàn hiện có 25 thương nhân được phép xuất khẩu gạo trực tiếp; trong đó có 3 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động xuất khẩu gạo của chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, xung đột chính trị kéo dài, cước vận chuyển tăng làm cho thị trường xuất khẩu gạo không sôi động, các đối tác nước ngoài chỉ duy trì nhập sản lượng vừa đủ để duy trì hoạt động phân phối, không dự trữ.

Đáng lưu ý, sản lượng xuất khẩu của các thương nhân trên địa bàn tỉnh Long An từ đầu năm đến nay đạt gần 416.500 tấn, kim ngạch đạt trên 210 triệu USD, giảm 22,71% về lượng và giảm 15,15% về giá trị. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) và các số thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada,… Riêng thị trường Trung Quốc chiếm hơn 39,05% tổng sản lượng gạo.

Sở Công Thương Long An dự báo giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng trong quý 4 và đầu năm 2023 do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu; việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo. Sở ước tính tổng sản lượng xuất khẩu gạo năm 2022 khoản 800.000 tấn, kim ngạch đạt 408 triệu USD tăng 10,86% về sản lượng, tăng 20,5% về kim ngạch so với cùng kỳ; giá bình quân khoản 510 USD/tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục