Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 có khả năng vượt kế hoạch

Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,79 triệu tấn gạo, dự kiến 4 tháng còn lại xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn. Đây là thắng lợi của Việt Nam đối với thị trường thế giới.
Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 có khả năng vượt kế hoạch ảnh 1Kho gạo xuất khẩu của Công ty Lương thực Hồ Chí Minh (Tổng công ty Lương thực miền Nam). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021.

Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,79 triệu tấn gạo, dự kiến 4 tháng còn lại xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn. Nếu không có gì xảy ra, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Đó là thông tin ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức vào ngày 22/9.

8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 4,79 triệu tấn (tăng 20,7% về số lượng và tăng gần 9,9% về giá trị so với cùng kỳ), trị giá gần 2,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 500 USD/tấn, giảm gần 50 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu trong năm 2021 và 8 tháng năm nay thì lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao đứng vị trí hàng đầu.

Trong năm 2021, tổng số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là 6,2 triệu tấn; trong đó, lượng gạo thơm chiếm 2,5 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 41,2%), tiếp theo là gạo trắng chất lượng cao xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn (chiếm tỷ trọng gần 37,6%), gạo nếp chiếm tỷ trọng 16,37%. Đây là thắng lợi của Việt Nam đối với thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam liên tục trong những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là châu Á (chiếm hơn 50%), tiếp theo là châu Phi và châu Mỹ.

[Bảo đảm hiệu quả điều hành xuất khẩu gạo và ổn định thị trường]

Philippines là quốc gia đứng đầu trong nhập khẩu gạo Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn của xuất khẩu gạo Việt Nam. 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines gần 2,4 triệu tấn (gần 50% số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam), với giá trị hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Philippines là thị trường rất quan trọng trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trước đây khi thực hiện Hiệp định thương mại gạo với Việt Nam, Philippines thường mua gạo trắng thường có 15-25% tấm. Sau khi nước này mở cửa cho nhập khẩu tự do thì thương nhân của họ tập trung vào phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao Việt Nam.

Đối với gạo thơm, gạo chất lượng cao (Đài Thơm 8, OM5451, OM18) là những loại gạo hiện không có nước nào xuất khẩu thay thế được. Định hướng cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài không thay đổi trong năm 2022 và năm 2023. Đây cũng là lợi thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với vị trí quan trọng của thị trường Philippines và lượng gạo nước này nhập khẩu chiếm gần 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nên Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị gạo tại Philippines. Theo đó, Philippines đặc biệt quan tâm đến gạo Việt Nam.

Sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu gạo tấm, Philippines lo ngại nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng trong khi đó Philippines là quốc gia không thể ngừng nhập khẩu gạo. Vì thế, nhu cầu về gạo thơm (Đài thơm 8, OM 5451, OM18) vẫn là chủng loại được ưa chuộng tại Philippines.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết, trước đây, mỗi năm Trung Quốc (thị trường đứng thứ hai nhập khẩu Việt Nam) nhập khẩu khoảng 30 đến 40% lượng gạo Việt Nam nhưng trong 8 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ hơn 520.000 tấn gạo (chiếm tỷ trọng khoảng 10% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam), trị giá gần 270 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, thị trường Trung Quốc luôn có sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu gạo, năm nay, tập trung nhập gạo nếp và gạo ST từ Việt Nam. Hiện nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc lớn nhưng Việt Nam không đủ nguồn cung.

Riêng thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà nhập khẩu số lượng gạo Việt Nam tương đối lớn và ổn định; tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang hai thị trường này trên 18% và tập trung vào loại gạo thơm, gạo chất lượng cao (OM5451, Đài thơm 8, Jasmine).

Đề cập về chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, theo ông Nguyễn Ngọc Nam, thời gian tới chưa biết tình hình của Ấn Độ sẽ như thế nào nhưng khả năng giá gạo tăng vì Ấn Độ sụt giảm nguồn cung gạo.

Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu. Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hơn 21,5 triệu tấn gạo (lớn hơn 4 nước: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Mỹ cộng lại). 6 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu hơn 11 triệu tấn gạo. Chính sách của Ấn Độ về cấm xuất khẩu gạo tấm, áp dụng thuế xuất khẩu gạo trắng nên ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục