Long trọng lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông

Lễ hoàn táng thi hài Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông diễn ra sáng 25/1, tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Sáng 25/1, tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ hoàn táng thi hài Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông (1679-1731).

Tới dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cùng đại biểu các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa viếng nhà vua.

Từ mờ sáng, tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình), đông đảo nhân dân, con cháu họ Lê cùng đại diện các sở, ban, ngành đã có mặt nghênh đón linh vị và thi hài Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông.

Gần 8 giờ, đoàn xe đã đến địa phận Thanh Hóa trong sự nghênh đón nồng nhiệt của nhân dân địa phương. Khi đến khu vực Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), đoàn xe đã dừng lại để con cháu dòng họ Lê làm lễ yết cáo tổ tiên, sau đó tiếp tục hành trình về khu vực hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân. Suốt quãng đường từ xã Thạch Lâm về đến xã Xuân Giang, người dân xứ Thanh đứng ken kín hai bên đường chờ đón đoàn xe rước linh vị và thi hài vua đi qua...

Tại lễ hoàn táng, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, Trưởng ban tổ chức lễ hoàn táng đã đọc lời cáo kỵ về thân thế, cuộc đời, quá trình phát hiện lăng mộ Ngài và dời Ngài ra Bảo tàng Lịch sử (Hà Nội) để bảo quản và nghiên cứu khoa học.

Sau lời cáo kỵ, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đọc Tế văn thể hiện rõ những công lao của Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông suốt 25 năm trị vì như mở kho lương, kho tiền dự trữ cứu trợ nhân dân; mở trường quốc học và hương học; đặt học quan để lo việc dạy dỗ; giảm nhẹ thuế... Cuộc đời của Ngài đúng là "Hai mươi lăm năm làm vua khôn xiết khó khăn nhưng sự rất chu toàn/ Năm mươi hai tuổi chầu trời cũng nhiều trắc trở mà công lao rạng rỡ".

Các nghi lễ khác như Lễ Di quan về huyệt mộ, Lễ Bồi thổ, Lễ Dâng hương đều diễn ra trang trọng và uy nghiêm. Chiều 25/1, con cháu dòng họ Lê rước linh vị của Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông từ khu lăng mộ làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân về thờ cúng tại Thái miếu Nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa). Đây là nơi đang lưu thờ tất cả bài vị của 27 vua (21 vua tại vị và 6 vua được truy phong) của nhà Hậu Lê (1418-1789)...

Trước đó, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, việc khâm liệm thi hài vua Lê Dụ Tông đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng họ Lê ở Việt Nam và đại diện Trung ương Giáo Hội phật giáo Việt Nam. Sau lễ nhập quan, Đội nghi thức đưa linh cữu lên xe về Thanh Hóa...

Được biết, thi hài vua Lê Dụ Tông được hoàn táng đúng như lúc nhà vua ra đi, nhà vua sẽ được khoác những long đồ do lớp cháu con đặt làm ở cố đô Huế theo đúng với nguyên mẫu những đồ tùy táng tìm thấy trong linh cữu của nhà vua.

Linh cữu đặt di hài nhà vua được phục chế từ gỗ ngọc am (pơmu) theo đúng kích thước và loại gỗ của linh cữu cũ, nặng khoảng 700kg. Riêng chiếc quách đựng linh cữu vẫn là chiếc quách cũ vừa được tỉnh Thanh Hóa khai quật hồi cuối năm 2009.

Như vậy sau hành trình 46 năm xa xứ, vua Lê Dụ Tông lại được yên nghỉ. Việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông (vị hoàng đế thứ 22 của nhà Hậu Lê) không chỉ thể hiện sự tri ân đối với các bậc hoàng đế, các yếu nhân trong lịch sử dân tộc của Đảng, của Nhà nước mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thanh Hóa nói riêng với nhà Hậu Lê.

Tới đây, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương hoàn chỉnh khu lăng mộ xứng đáng với tầm vóc, vị thế của nhà vua, để lăng mộ Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân sẽ là một trong những địa chỉ lịch sử, văn hoá để nhân dân đến viếng thăm, chiêm bái.

Vua Lê Dụ Tông (1679-1731), húy là Duy Đường, cháu nội vua Lê Thần Tông, con trai trưởng của vua Lê Hy Tông. Ông được vua cha truyền ngôi năm Ất Dậu (1705), lấy 2 niên hiệu là Vĩnh Thịnh và Bảo Thái, giữ ngôi Hoàng đế 25 năm.

Đánh giá về Lê Dụ Tông, sách “Lịch triều tạp kỹ” ghi: “Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, thượng quốc thì trả lại đất. Có thể gọi là đời cực thịnh. Nhà vua rũ tay áo ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua này”...

Cách đây 52 năm, vào tháng 2/1958, người dân làng Bái Trạch đã tình cờ phát hiện ra nơi an táng vua Lê Dụ Tông. Sau đó vào đầu năm 1964 các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật và mang thi hài vua về Hà Nội để bảo quản và nghiên cứu khoa học.

Sau nhiều lần Hội đồng họ Lê Việt Nam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về an táng tại quê nhà, ngày 29/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại Thanh Hóa./.

Hoa Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục