Luật Cảnh sát Biển Việt Nam: Chìa khóa để giữ gìn biển đảo Tổ quốc

Luật Cảnh sát Biển Việt nam ra đời, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát Biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Với diện tích trên 1 triệu km vuông cùng nguồn tài nguyên, khoáng sản quý giá, các vùng biển của Việt Nam có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác trật tự, an ninh, an toàn, giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhằm khai thác các nguồn lợi từ biển.

Qua hơn 20 năm kể từ khi thành lập, chúng ta đã chủ động tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (năm 1982), ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

[Cuộc thi trực tuyến toàn quốc 'Tìm hiểu Luật Cảnh sát Biển Việt Nam']

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình an ninh diễn biến hết sức phức tạp trên Biển Đông, nhất là việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, buôn lậu, cướp biển, vi phạm lãnh hải trong khai thác thủy sản, hải sản,….

Cùng với đó, xu thế hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi chúng ta phải có đạo luật cơ bản. Trước tình hình đó, năm 2019, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam ra đời, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát Biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam./.

(Vietnam+)