Luật Lưu trữ sửa đổi: Chú trọng tới các quy trình nghiệp vụ Lưu trữ Điện tử

Thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần hoàn thiện thêm các quy định về Tài liệu Số và Chuyển đổi Số trong hoạt động lưu trữ.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn phát biểu ý kiến. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn phát biểu ý kiến. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vấn đề Tài liệu Điện tử, Tài liệu Số và Chuyển đổi Số trong hoạt động lưu trữ để phù hợp với yêu cầu mới là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra tại phiên thảo luận chiều nay, 27/11, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng Tài liệu Điện tử và Tài liệu Số có những đặc điểm khác biệt với tài liệu lưu trữ giấy về định dạng và cách thức tạo lập, chuyển giao, khai thác, sử dụng và lưu trữ. Theo đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng khái niệm để giải thích từ ngữ rõ ràng, mạch lạc hơn để xây dựng quy định quản lý Tài liệu Điện tử, Tài liệu Số phù hợp với đặc thù riêng có của lĩnh vực này.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng vấn đề lưu trữ Tài liệu Điện tử và Tài liệu Số cần có những bước đi phù hợp với khả năng về nguồn lực, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Đại biểu đề nghị, trước mắt, đối với tài liệu lưu trữ mang tính lịch sử bảo quản vĩnh viễn mà sản sinh ra bằng số thì in ra, sau đó xác thực của cơ quan lưu trữ và đưa vào kho. Như vậy sẽ vừa đảm bảo tính bảo quản vĩnh viễn tài liệu lưu trữ lịch sử, vừa đảm bảo sự tiếp nhận của người dân trong việc khai thác giá trị tài liệu lưu trữ.

Nhận định Tài liệu Số là sản phẩm của Chuyển đổi Số ngành lưu trữ, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị tách riêng điều khoản để làm rõ lộ trình, nguồn lực, cơ quan đầu mối quản lý và các cái điều kiện cần thiết khác, nhằm không chỉ nâng cấp kỹ thuật hạ tầng hiện có mà còn thiết lập mới vận hành bảo trì quản lý tài liệu Lưu trữ Số trong suốt quá trình hoạt động.

Bên cạnh vấn đề lưu trữ Tài liệu Số, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về việc Chuyển đổi Số trong hoạt động lưu trữ. Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An nhận định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Lưu trữ Điện tử là một trong những chính sách mới, cơ bản của dự thảo Luật lưu trữ, sửa đổi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về nghiệp vụ Lưu trữ Điện tử như về chỉnh lý xác định giá trị thống kê, quản lý tài liệu… trong dự thảo Luật lần này.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nhận định Chuyển đổi Số trong lĩnh vực Lưu trữ chính là sự thay đổi phương thức làm việc, chuyển công tác quản lý Nhà nước về hoạt động lưu trữ lên Môi trường Số, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện Chuyển đổi Số đang có những hạn chế về nhận thức, nhân lực, kinh phí, hạ tầng, khung pháp lý. Đại biểu cho rằng các quy định của luật phải khắc phục được những bất cập này như các quy định về cơ sở dữ liệu, tài liệu Lưu trữ Số, các hoạt động lưu trữ thực hiện trên môi trường Điện tử, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động lưu trữ.

271120230434-z4920223983513_c4d11c1d61742fd6e36ec1e05495a14c.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đây cũng là đề nghị của đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Đại biểu Nghĩa cho rằng dự thảo Luật chưa chú trọng tới các quy trình nghiệp vụ Lưu trữ Điện tử. Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh Chuyển đổi Số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, Lưu trữ Số cũng như tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ Lưu trữ Điện tử.

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm về vấn đề lưu trữ Tài liệu Điện tử và Tài liệu Số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là nội dung mới, được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ Điện tử, Chính phủ Số, Chính quyền Điện tử và Xã hội Số, Công dân Số.

Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã cố gắng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, về an ninh mạng, về bảo vệ bí mật Nhà nước… đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu về làm rõ hơn về nghiệp vụ Lưu trữ Điện tử và Lưu trữ Số và phải gắn với Chuyển đổi Số để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình đảm bảo nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục