Lực lượng vũ trang Khánh Hòa, Long An xung kích tuyến đầu chống dịch

Các cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ thực hiện công tác truy vết, lấy mẫu; vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân; tham gia chốt chặn, tuần tra không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong."
Lực lượng vũ trang Khánh Hòa, Long An xung kích tuyến đầu chống dịch ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ học viên Trường Sỹ quan thông tin, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, lên đường hỗ trợ thành phố Nha Trang để kiểm soát chặt chẽ các các khu vực phong tỏa ở các xã, phường có nhiều 'vùng đỏ.' (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa, Long An đã phát huy vai trò tiên phong, xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Xung kích tuyến đầu chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần này, công an các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa các khu vực dân cư có nguy cơ cao, thiết lập các chốt kiểm tra, phòng, chống dịch trên các tuyến giao thông, các cửa ngõ ra vào địa bàn, đảm bảo tốt an ninh trật tự tại các cơ sở cách ly tập trung, khu vực bị phong tỏa, áp dụng việc thực hiện Chỉ thị 16 ở các địa phương có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2.

Thành phố Nha Trang, tâm dịch của tỉnh Khánh Hòa, đã qua 50 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cũng là chừng ấy thời gian Trung tá Văn Phạm Thùy Trang, Trưởng Công an phường Phước Tiến phải trực chốt thực hiện nhiệm vụ và không về thăm gia đình.

Trung tá Thùy Trang cho biết vì sự an toàn của người thân và xã hội, sự bình yên của nhân dân, sớm đẩy lùi dịch COVID-19, chị và các đồng đội đều không quản ngại nhiệm vụ vất vả trực chốt, tuần tra suốt đêm.

Là những người thực thi nhiệm vụ, chị mong toàn thể nhân dân trong thành phố thấu hiểu được nhiệm vụ của chị cùng đồng đội và chấp hành đúng các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19.

"Nhiều đêm đi tuần, chúng tôi phát hiện một số trường hợp ra đường buổi tối vì nhiều lý do rất đặc biệt như mua thuốc, người thân trong gia đình mất. Cùng với việc nắm thông tin tình hình, chúng tôi hướng dẫn họ đi theo điểm đến không dừng lại, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh," Trung tá Thùy Trang kể.

Không chỉ trực chốt kiểm soát, tuần tra bất kể ngày đêm, ngay khi trên địa bàn xuất hiện các ca dương tính mới, các cán bộ, chiến sỹ trong các tổ phản ứng nhanh của công an các địa phương đều khẩn trương lên đường. Đây là nhiệm vụ không chỉ vất vả, căng thẳng mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi trong quá trình truy vết, lực lượng tham gia phải tiếp xúc với nhiều trường hợp có nguy cơ cao. Với họ, đó là những nhiệm vụ có tính chất khẩn trương, quyết liệt, thể hiện vai trò nòng cốt của lực lượng Công an.

Khánh Hòa là tỉnh có biển, việc đảm bảo an toàn biên giới biển cũng là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhất là tại thời điểm hiện nay, khi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cần phải ngăn chặn tuyệt đối các nguồn xâm nhập của dịch bệnh.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Nha Trang là đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách công tác phòng, chống dịch trên toàn bộ tuyến biển thuộc địa bàn các xã, phường Lộc Thọ, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Đồng (thành phố Nha Trang).

Trung tá Bùi Văn Tụng, Chính trị viên của Đồn, cho biết Ban Chỉ huy đơn vị đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ các phương tiện hoạt động khai thác thủy hải sản, không cho phương tiện lạ, ở khu vực bên ngoài vào địa bàn để buôn bán và không để hoạt động buôn bán thủy hải sản diễn ra tại các bến, dọc bờ biển.

[Bộ Quốc phòng hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân TP.HCM]

Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát trên biển, chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và chống xuất, nhập cảnh trái phép.

Thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, các cán bộ, chiến sỹ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa tham gia tăng cường hỗ trợ thành phố đợt này với lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cao, xác định tinh thần "nơi nào khó khăn nhất, nơi nào nhân dân cần nhất, nơi đó có bộ đội Cụ Hồ. Tất cả quân nhân cùng đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua và chung tay cùng người dân đẩy lùi dịch COVID-19."

Tính đến chiều 26/8, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 5.944 ca mắc COVID-19, trong đó thành phố Nha Trang có số ca mắc cao nhất 3.484 ca. Công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt nhiều kết quả, tuy nhiên tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân nhân tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu lực lượng quân đội hỗ trợ thành phố Nha Trang kiểm soát chặt chẽ các các khu vực phong tỏa ở các xã, phường có nhiều “vùng đỏ" như Vĩnh Lương, Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Vĩnh Trường và tổ 13,14, Ngọc Thảo của phường Ngọc Hiệp.

Lực lượng quân đội hỗ trợ đợt này có cán bộ, chiến sỹ, học viên các đơn vị: Trường Sỹ quan Không quân, Trường Sỹ quan Thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung.

Các cán bộ, chiến sỹ tham gia hỗ trợ địa phương thực hiện công tác truy vết, lấy mẫu; vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân trong các khu vực bị phong tỏa; tham gia chốt chặn, tuần tra kiểm soát để không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong."

“Đầu cần chúng tôi có"

Tại Long An, lực lượng quân sự tỉnh Long An đang tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, giúp nhân dân bằng nhiều hình thức thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung sống cùng con trai và cháu ngoại tại căn nhà trọ ở xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa. Từ quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, bà xuống đây thuê nhà ở để hằng ngày đi bán hàng rong nuôi con cháu. Khi dịch bệnh ập đến, bà Nhung phải nghỉ bán. Cuộc sống của gia đình ba miệng ăn ngày càng khó khăn, thiếu thốn, đứa cháu ngoại chỉ mới hơn một tuổi thiếu sữa.

Biết thông tin Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa thiết lập đường dây nóng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bà Nhung gọi đến và được cán bộ, chiến sỹ của đơn vị mang tới tặng một phần quà gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đặc biệt, trong phần quà còn có thêm hộp sữa cho cháu nhỏ.

“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, gọi điện đến đường dây nóng, được các chú bộ đội mang gạo, sữa đến cho thế này, tôi mừng lắm," bà Nhung xúc động nói.

Gia đình bà Nhung chỉ là một trong hơn 3.000 trường hợp khó khăn nhận được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa. Từ khi thiết lập đường dây nóng hỗ trợ người dân, trung bình mỗi ngày, Ban Chỉ huy Quân sự huyện nhận được trên 50 cuộc gọi nhờ giúp đỡ.

Ngay sau khi tổng hợp danh sách, cán bộ, chiến sỹ đơn vị liền chuẩn bị các phần quà, phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức vận chuyển đến trao tận nơi cho từng hộ khó khăn. Phần quà gồm những nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, rau củ… là tấm lòng người chiến sỹ góp phần giúp nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trung tá Nguyễn Nhất Trung, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đơn vị luôn chủ động đến với người dân bằng nhiều mô hình dân vận, trong đó có đường dây nóng hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho người dân.

“Đầu cần chúng tôi có, đâu khó cứ alô!”, khi người dân cần hỗ trợ hãy gọi vào đường dây nóng, các cán bộ, chiến sĩ sẽ có mặt. Ngoài số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, người dân còn có thể gọi đến số điện thoại của Ban Chỉ huy Quân sự các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để được hỗ trợ.

Lực lượng vũ trang Khánh Hòa, Long An xung kích tuyến đầu chống dịch ảnh 2Một chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 ở Long An. (Ảnh: TTXVN)

Mô hình đường dây nóng hỗ trợ người dân chỉ là một trong nhiều mô hình thiết thực mà các đơn vị quân sự trên địa bàn tỉnh Long An triển khai để giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, các cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất kết hợp vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động linh hoạt, sáng tạo, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn như mô hình “phiên chợ," "gian hàng," “chuyến xe 0 đồng," “thiết lập đường dây nóng tiếp nhận cuộc gọi cần giúp đỡ của nhân dân”… với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tiếp tục triển khai chương trình 3.000 phần quà giúp đỡ người dân; hỗ trợ thân nhân cán bộ, chiến sỹ gặp khó khăn trong đại dịch.

Bên cạnh đó, cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện chương trình an sinh, giúp đỡ người dân khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã cách xã hội như: thành lập tổ đội xung kích đi chợ, mua nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản…

Cùng với các mô hình, hoạt động hỗ trợ người dân, cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Từ khi dịch bùng phát đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt xuất quân, huy động hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ, bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tham gia phòng, chống dịch với nhiều hình thức khác nhau.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia phục vụ bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chốt trực phòng, chống dịch trên các tuyến giao thông trong tỉnh; phối hợp với lực lượng Biên phòng thực hiện chốt chặn trên tuyến biên giới không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép… Đặc biệt, lực lượng quân y của đơn vị trực tiếp tham gia công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đại tá Trần Vinh Ngọc, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, cho biết mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn thể hiện quyết tâm sắt đá, dù hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục