Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu phục hồi

Mức suy giảm của khách quốc tế đến Việt Nam sau 6 tháng đầu năm vẫn ở mức 12% nhưng trong ba tháng gần đây, lượng khách đã phục hồi, giúp mức suy giảm khách chỉ còn 5,9%.
Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu phục hồi ảnh 1Du khách Pháp đi xích lô tham quan thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp Hội đồng Tư vấn Du lịch với sự hỗ trợ của Dự án chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT).

Tại phiên họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết mức suy giảm của khách quốc tế đến Việt Nam sau 6 tháng đầu năm vẫn ở mức 12%. Tuy nhiên, trong ba tháng 7, 8, 9, số lượng khách đã phục hồi, tăng so với tháng trước.

Trong 9 tháng, đã có gần 5,7 triệu lượt khách đến Việt Nam, chỉ suy giảm 5,9% so với thời điểm này năm ngoái. Mức độ suy giảm lượng khách đã giảm đi, chênh lệch về tỷ trọng so với năm ngoái đã ngắn lại. Khách du lịch nội địa tăng 9% đạt 48,8 triệu lượt, trong đó 23,4 triệu lượt khách có lưu trú.

Trong số các thị trường khách quốc tế, khách từ thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào là các thị trường tiếp giáp biên giới đất liền với Việt Nam suy giảm mức trên dưới 20%, thị trường giảm mạnh như Campuchia 40%.

Có thể thấy, khách ở phân khúc thị trường đi đường bộ, lưu trú ngắn, chi tiêu thấp suy giảm mạnh hơn thị trường lưu trú cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy mặc dù có suy giảm thời gian qua nhưng không đáng ngại. Khách nội địa tăng cao nên tổng thu từ khách du lịch vẫn tăng 2,8%.

Đây là nỗ lực lớn của ngành du lịch trong thời gian khó khăn vừa qua. Ông Nguyễn Văn Tuấn hy vọng trong 3 tháng cuối năm sẽ đạt được kết quả khả quan hơn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết 9 tháng qua là giai đoạn đầu tiên ngành du lịch triển khai Nghị quyết 92 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 92 được ban hành ngày 8/12/2014, tới nay đã tròn 10 tháng. Thế nên, trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện Nghị quyết quan trọng này.

Trong đó, ngành du lịch đã đề xuất và được chấp thuận chính sách miễn visa với 5 nước châu Âu và Belarus. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang trình tiếp xin miễn visa cho 19 thị trường.

Tổng cục Du lịch cũng đã cơ bản hoàn tất đề án xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, chờ ý kiến Bộ Tài chính để trình Chính phủ trong tháng 10/2015.

Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch gồm tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch với sự hỗ trợ của Dự án EU-ESRT sẽ tập trung xúc tiến mạnh vào thị trường châu Âu, triển khai Nghị quyết 92 và Chỉ thị 14 của Chính phủ, hoàn thành quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; sẽ có khoảng 100 hoạt động trong chương trình hành động quốc gia về du lịch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, hỗ trợ các địa phương trong hoạt động liên kết vùng, sự kiện với sự hỗ trợ của Dự án EU-ESRT.

Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Hội đồng Tư vấn Du lịch quan tâm hỗ trợ các hoạt động marketing của du lịch Việt Nam với tâm điểm là việc triển khai chính sách miễn visa và hoạt động xúc tiến ở thị trường châu Âu, đón đoàn báo chí famtrip vào Việt Nam.

Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch phối hợp cùng Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines triển khai nhiều hoạt động, như họp báo tại Singapore vào tháng 10/2015, họp báo ở Hội chợ Du lịch Thế giới WTM London tháng 11/2015, triển khai ở Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan) là nơi có nhiều công dân thuộc 5 nước được miễn visa đến du lịch.

Ông Tuấn cho biết lượng khách gia tăng từ 5 thị trường này chủ yếu tăng từ phân khúc ở gần Việt Nam chứ không phải tăng dòng khách từ châu Âu tới thẳng Việt Nam.

Hiện nay, tổ công tác của Tổng cục Du lịch cũng phối hợp chặt chẽ với chuyên gia Dự án EU-ESRT rà soát kỹ Luật Du lịch hiện hành để cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao khả năng hội nhập và tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam...

Tại cuộc họp, Tổ trưởng các Tổ công tác của Hội đồng lần lượt cập nhật thông tin về các hoạt động đã thực hiện kể từ phiên họp lần thứ sáu ngày 19/5/2015.

Tổ công tác về quản lý chất lượng dịch vụ du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã trình bày các vấn đề liên quan đến khả năng sẵn sàng và chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP).

Đồng thời, các Tổ cũng chỉ ra nhu cầu đối với các cơ sở đào tạo nghề du lịch từ góc độ doanh nghiệp, các rào cản trong quá trình triển khai công việc và những giải pháp tháo gỡ khó khăn...

Trong khi đó, Tổ công tác về Chính sách và Thể chế đã tập trung vào bốn nhóm vấn đề gồm chính sách thị thực du lịch, các vấn đề liên quan tới thuế và đất đai, những thách thức nhằm tăng cường hoạt động du lịch MICE và sửa đổi Luật Du lịch.

Về hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, trong thời gian vừa qua, Tổ công tác chuyên trách đã tập trung hỗ trợ Tổng cục Du lịch các công việc liên quan tới công tác e-marketing. Theo kế hoạch, trong những tháng cuối năm 2015, Quỹ và các phương tiện triển khai hoạt động marketing sẽ được thiết lập.

Tháng 11/2015, tại Hội chợ Du lịch Thế giới 2015 (WTM 2015), Tổng cục Du lịch sẽ công bố đơn vị chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động marketing cũng như những chiến dịch marketing của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, trong Quý I/2016, một chiến dịch E-marketing toàn cầu cũng sẽ được tung ra tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB.

Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch đã cùng nhau ký Biên bản thỏa thuận giữa hai đơn vị.

Theo Biên bản Thỏa thuận này, Hội đồng Tư vấn Du lịch sẽ hỗ trợ Tổng cục Du lịch trên ba lĩnh vực gồm hội chợ thương mại/triển lãm, các chuyến khảo sát du lịch/quan hệ công chúng và e-marketing.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã trao kỷ niệm chương cho bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Cán bộ chương trình Ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ghi nhận đóng góp quý báu của bà đối với sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục