Lý do Hàn Quốc thận trọng với các biện pháp trừng phạt Nga

Hàn Quốc mong muốn loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến triển vọng phi hạt nhân hóa và tiến trình thiết lập nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Lý do Hàn Quốc thận trọng với các biện pháp trừng phạt Nga ảnh 1Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo tờ Hankyoreh (Hàn Quốc), Chính quyền của cựu Tổng thống Park Geun-hye đã lựa chọn không áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Hiện nay, phản ứng của chính quyền Hàn Quốc đương nhiệm trong cuộc đối đầu Nga-Mỹ về vấn đề Ukraine tiếp tục thể hiện sự thận trọng.

Sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang, Mỹ, Liên minh châu Âu, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada và Australia đều tuyên bố trừng phạt Nga. Tuy nhiên, những động thái liên quan của Hàn Quốc đã không đi theo định hướng trên của các nước.

Tuyên bố của Seoul phù hợp với phản ứng của Mỹ và các nước khác theo cách hiểu là thể hiện sự tôn trọng của Hàn Quốc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và “tích cực tham gia vào một giải pháp hòa bình, dựa trên đối thoại với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế."

Tuy nhiên, điểm khác là Hàn Quốc tránh thể hiện bất kỳ sự lên án trực tiếp nào đối với Nga. Hàn Quốc tránh đi đầu trong việc tham gia các lệnh trừng phạt, đồng thời tuyên bố có kế hoạch cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine với tư cách là “quốc gia đối tác quan trọng của Chính sách phương Bắc mới” và ủng hộ một giải pháp hòa bình cho xung đột hiện nay.

Một quan chức Nhà Xanh cho biết Seoul đang “chuẩn bị nhiều phương án khác nhau trong khi cân nhắc mọi khả năng," đồng thời nhấn mạnh loại trừ khả năng “hỗ trợ quân sự và triển khai binh lính."

Cũng theo quan chức này, phản ứng của Seoul sẽ được “điều chỉnh phù hợp với các động thái của Mỹ và các quốc gia khác." Điều này cho thấy Hàn Quốc không thể loại trừ hoàn toàn khả năng thay đổi hướng tiếp cận các biện pháp trừng phạt.

[Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết trừng phạt Nga]

Lập trường thận trọng của Chính phủ Hàn Quốc được chính thức hóa tại cuộc họp chung giữa Hội đồng An ninh Quốc gia và Hội đồng Chiến lược Kinh tế và An ninh do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì hôm 22/2. Điều này cho thấy Seoul đã tính đến những tác động của cả lĩnh vực an ninh và kinh tế do căng thẳng tại Ukraine gây ra. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng “tình trạng khẩn cấp chắc chắn sẽ có tác động lớn không chỉ đối với an ninh quốc gia mà cả nền kinh tế của đất nước."

Điều gì khiến Seoul đưa ra phản ứng thận trọng?

Trước hết, Hàn Quốc mong muốn loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến triển vọng phi hạt nhân hóa và tiến trình thiết lập nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nắm trong tay quyền phủ quyết và là một trong các bên tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Nga có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề liên quan đến bán đảo.

Về phần mình, Nga bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận của Hàn Quốc trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và các vấn đề khác trên bán đảo theo hướng toàn diện, từng bước, dựa trên đối thoại và đàm phán. Đây là một trong những nội dung “hợp tác chiến lược” giữa hai quốc gia vốn có “quan hệ đối tác chiến lược” kể từ năm 2008.

Những lý do này giải thích tại sao Tổng thống Moon Jae-in lại đưa ra yêu cầu đặc biệt vào cuối cuộc họp chung, về việc “tích cực nỗ lực để đảm bảo rằng tình hình Ukraine không gây ra tác động tiêu cực đến tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên."

Hai là yêu cầu quản lý mối quan hệ Hàn-Nga trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các chính quyền. Sau bầu cử, Hàn Quốc có truyền thống triển khai các đặc phái viên của tổng thống thực hiện nhiệm vụ ngoại giao ra mắt chính quyền mới. Trong động thái ngoại giao này, Nga được coi là một trong “bốn láng giềng lớn” cùng với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Lý do Hàn Quốc thận trọng với các biện pháp trừng phạt Nga ảnh 2Từ trái sang phải: Các ứng viên Lee Jae-myung, Yoon Suk-yeol, Sim Sang-jeung, Ahn Cheol-soo. (Nguồn: Yonhap)

Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay khiến mối quan hệ Hàn-Nga trở nên xấu đi ngay trước thềm cuộc bầu cử, chính quyền tiếp theo có thể phải giải quyết những hệ lụy ngoại giao với Nga ngay từ khi mới lên cầm quyền. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Rõ ràng, chúng ta cần tính đến thực tế rằng hiện đang là giai đoạn chuyển tiếp giữa các chính quyền."

Ba là yêu cầu giảm thiểu tổn thất cho các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Nga và tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và nguyên liệu. Nga là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung Electronics, Hyundai Motor, LG Electronics và Lotte cũng nằm trong danh sách 173 doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang hoạt động kinh doanh tại Nga.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến diễn biến cuộc khủng hoảng đang có chiều hướng leo thang vì chi phí năng lượng cao có thể ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh doanh. Hàn Quốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), Naphtha là mặt hàng Hàn Quốc nhập khẩu lớn nhất từ Nga với 25,3%, tiếp theo là dầu thô (24,6%), than đá (12,7%) và khí đốt tự nhiên (9,9%).

Ngành ximăng Hàn Quốc, vốn nhập khẩu gần 75% than bitum từ Nga, bày tỏ đặc biệt lo ngại rằng tình trạng bất ổn địa chính trị sẽ khiến giá than bitum tăng cao và gây gián đoạn nguồn cung. Một quan chức của Hiệp hội Ximăng Hàn Quốc cho biết: “Căng thẳng gần đây giữa Nga và Ukraine đã gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu, đẩy giá nguyên liệu tăng cao." Ông nói thêm, chi phí sản xuất xi măng đã tăng 30-50% so với quý 1/2021.

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc khủng hoảng bởi các doanh nghiệp này nhập khẩu khí neon và krypton, những nguyên liệu thiết yếu để sản xuất chip, từ cả Nga và Ukraine. Cụ thể, Hàn Quốc đã nhập khẩu 23% nhu cầu khí neon từ Ukraine và 5,3% từ Nga vào năm ngoái.

Ngoài ra, ngành công nghiệp ôtô cũng không tránh khỏi những tác động tiềm tàng. Các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc có thể đối mặt với rủi ro ngày càng tăng do sự biến động của đồng nội tệ Nga và nhu cầu tại Nga sụt giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo báo cáo của Yuanta Securities, tỷ giá hối đoái diễn biến bất lợi đã khiến thu nhập của Hyundai Motor Co. và chi nhánh Kia Corp. giảm đi vào năm 2014.

Hyundai Motor cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay không gây ra tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của hãng tại Nga. Hãng xe này có dây chuyền lắp ráp ôtô tại St. Petersburg, nơi sản xuất khoảng 230.000 xe mỗi năm. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc (KAMA), Hyundai đã bán được 38.161 xe và Kia đã bán được 51.869 xe tại thị trường Nga vào năm ngoái. Số lượng xe nhập khẩu vào Nga chiếm khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc.

Trái với cách giải thích của một bộ phận người dân Hàn Quốc, cách tiếp cận thận trọng của Chính quyền Moon Jae-in đối với vấn đề trừng phạt Nga khó có thể được xem là “thành kiến” của một chính quyền cấp tiến. Năm 2014, Hàn Quốc đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ tham gia các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Chính phủ Hàn Quốc vào thời điểm đó là một chính quyền bảo thủ trung thành dưới thời Tổng thống Park Geun-hye. Chính quyền của bà Park đã lựa chọn phương án điều chỉnh phản ứng của Hàn Quốc đối với tình hình Crimea bằng cách tạm thời ngừng trao đổi cấp cao với Moskva, nhưng bỏ qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Lựa chọn nào dành cho Hàn Quốc?

Trước diễn biến leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine, truyền thông Hàn Quốc gồm các tờ Hankyoreh và JoongAng Daily đăng bình luận của giới chuyên gia nhằm khuyến nghị hướng tiếp cận của Chính quyền Hàn Quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo hai tờ báo này, quan điểm thận trọng của Tổng thống Moon Jae-in chủ yếu xuất phát từ mong muốn duy trì mối quan hệ hợp tác với Nga trong dự án đường sắt kết nối liên Triều. Tuy nhiên, cách tiếp cận này khó đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Đã đến lúc chính phủ cần đưa ra kế hoạch hành động chi tiết nhằm triển khai các biện pháp trừng phạt cùng cộng đồng quốc tế mà không cần dò xét phản ứng từ Moskva.

Hàn Quốc có thể hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ yếu sang Nga, bao gồm chất bán dẫn và ôtô. Sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc chủ yếu liên quan đến các ngành công nghệ cao nên có thể giúp nâng cao hiệu quả của các lệnh cấm vận.

Lý do Hàn Quốc thận trọng với các biện pháp trừng phạt Nga ảnh 3Công nhân làm việc tại một nhà máy của Hyundai. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc chủ động triển khai các biện pháp trừng phạt cũng sẽ giúp Hàn Quốc xoa dịu mối quan ngại của cộng đồng quốc tế cho rằng Hàn Quốc chỉ “khoanh tay đứng nhìn” Trung Quốc và Nga vì lo ngại hai nước này không hợp tác trong vấn đề Triều Tiên. Đồng thời, chính phủ cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại dự kiến cho các doanh nghiệp trong nước tham gia các lệnh trừng phạt. Chính quyền cũng có thể cân nhắc ý tưởng cung cấp hỗ trợ y tế cho Ukraine trong trường hợp thương vong gia tăng với số lượng lớn. Đã đến lúc Hàn Quốc cần thể hiện đúng vị thế của một quốc gia bằng những hành động cụ thể.

Ở một góc nhìn khác, John Feffer, Giám đốc Tạp chí Foreign Policy in Focus (TPIF), cho rằng Hàn Quốc cần nhìn nhận cuộc khủng hoảng Ukraine một cách tổng thể nhằm đưa ra một lộ trình riêng đảm bảo an ninh năng lượng. Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ và đứng thứ ba về xuất khẩu than đá.

Cho đến nay, Nga phụ thuộc khá nhiều vào các thị trường châu Âu để xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Châu Âu mua 3/4 tổng lượng khí đốt của Nga. Tuy nhiên, mối quan hệ này rất mong manh. Các biện pháp trừng phạt của châu Âu có thể ngừng hoàn toàn dòng chảy năng lượng từ Đông sang Tây. Về lâu dài, mối quan hệ thương mại dựa trên nhiên liệu hóa thạch sẽ không bền vững.

Nhờ các khoản đầu tư của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Điện Kremlin đang định hướng lại cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch để cung cấp cho Trung Quốc và các khu vực phía Đông. Là nền kinh tế khổng lồ và mong muốn tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về năng lượng của Nga. Hiện tại, Nga đã trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn thứ ba của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thế giới sẽ ngày càng bị phân chia, không phải bởi hệ tư tưởng hay vị trí địa lý. Khi biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, sự phân chia quan trọng duy nhất sẽ là năng lượng sạch và “năng lượng bẩn." Cuộc khủng hoảng Ukraine là cơ sở cho lập luận này. Dù bước đi với tốc độ chưa đủ nhanh nhưng châu Âu đang hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Nga đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch, được khuyến khích bởi nhu cầu năng lượng và sự phụ thuộc của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ định hình ranh giới phân chia giữa các quốc gia có tương lai gắn bó với nhiên liệu hóa thạch và những nước đang nỗ lực để vượt qua sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Khủng hoảng Ukraine là vấn đề về lãnh thổ và các liên minh an ninh, nhưng cũng đồng thời là an ninh năng lượng. Cuối cùng, vấn đề sẽ là liệu Ukraine có còn nằm trong phạm vi ảnh hưởng bởi nhiên liệu hóa thạch của Nga hay trong một châu Âu xanh mới.

Ở Đông Á, Hàn Quốc có thể tận dụng việc Nga chuyển hướng dòng chảy của nhiên liệu hóa thạch để tiếp tục tận dụng nguồn năng lượng từ dầu mỏ, khí đốt và than đá. Nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 85% năng lượng của Hàn Quốc. Nga là nước xuất khẩu than đứng thứ hai, dầu mỏ đứng thứ tư và khí đốt tự nhiên đứng thứ sáu của Hàn Quốc.

Vì vậy, với những lợi ích kinh tế ngắn hạn, Hàn Quốc có thể tận dụng các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Nga. Thậm chí, Seoul có thể sử dụng đường ống và các dự án năng lượng để tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Hoặc Hàn Quốc có thể mạnh dạn đi theo một hướng khác, thực hiện cam kết trong kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh và từ bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng các khoản đầu tư lớn vào sản xuất năng lượng sạch.

Đây không phải là việc Hàn Quốc lựa chọn giữa Nga và Ukraine hoặc giữa Mỹ và Trung Quốc, mà quyết định quan trọng hơn là về tương lai của hành tinh. Quan hệ đối tác nhiên liệu hóa thạch của Nga và Trung Quốc sẽ đi vào ngõ cụt. Câu hỏi thực sự là: liệu Hàn Quốc có thể xây dựng một lối đi khác cho tương lai?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục