Lý do mà Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách mở rộng hệ thống phòng thủ ở trong và ngoài nước để ngăn chặn một vụ tấn công tên lửa tiềm tàng.
Lý do mà Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ảnh 1Một vụ thử Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở đảo Wake. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Washington/AP, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách mở rộng hệ thống phòng thủ ở trong và ngoài nước để ngăn chặn một vụ tấn công tên lửa tiềm tàng, đồng thời có thể xây dựng thêm một lớp vệ tinh trên không gian nhằm phát hiện và theo dõi các mục tiêu thù địch.

Chi tiết về việc chính quyền Trump thúc ép vấn đề này ở Quốc hội đã được tiết lộ khi Lầu Năm Góc công bố kết quả đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa vào ngày 17/1 (giờ địa phương).

Việc công bố này đã bị trì hoãn hồi năm ngoái vì nhiều lý do phức tạp, mặc dù nó diễn ra khi Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Kết quả đánh giá này có thể làm cho các cuộc đàm phán thêm phức tạp.

Biện pháp tiếp cận của ông Trump được cho là sẽ tập trung vào việc ngăn chặn tên lửa trước khi nó được phóng hoặc trong vài phút đầu tiên khi động cơ đẩy của nó vẫn đang cháy. Quốc hội đã chỉ đạo Lầu Năm Góc thúc đẩy biện pháp tiếp cận này, mà có thể bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái được trang bị laser.

[Ông Trump: Phải chắc chắn năng lực phòng thủ của Mỹ là vô song]

Việc mở rộng quy mô và chi phí cho hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ phải bao gồm các ưu tiên quốc phòng khác. Chính quyền Trump đã cam kết chi hàng tỷ USD để phát triển thế hệ vũ khí hạt nhân mới. Việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa cũng sẽ có những hàm ý quan trọng cho chính sách ngoại giao của Mỹ trong bối cảnh thái độ thù địch lâu nay của Nga và sự lo ngại của Trung Quốc về việc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á có thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia của nước này.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã tỏ ra quan tâm đến việc phát triển và triển khai hiệu quả các phương tiện phát hiện và theo dõi tên lửa thông qua một chùm vệ tinh trên không gian có thể sử dụng các thiết bị cảm biến tối tân để theo dấu toàn bộ đường bay của một tên lửa thù địch và khi đó một vũ khí đánh chặn tên lửa có thể nhắm trực tiếp vào đường bay của nó. Hệ thống cảm biến trên không gian sẽ cho phép Mỹ giải quyết những mối đe dọa phức tạp chẳng hạn như các tên lửa siêu thanh.

Ông Frank Rose - cựu quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao và hiện là học giả cao cấp nghiên cứu về an ninh và chiến lược thuộc Viện Brookings - nói: "Tôi nghĩ việc này cần rất nhiều thiết bị cảm biến. Điều này có thể giúp cải thiện thực sự khả năng phòng thủ tên lửa của chúng ta."

Các loại vũ khí phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay được triển khai ở trên đất liền và các tàu chiến ở nước ngoài.

Lý do mà Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ảnh 2Hệ thống phòng thủ tên lửaAegis Ashore của Mỹ tại căn cứ quân sự Deveselu, Romania. (Nguồn: AFP/TTXVN

Các đời tổng thống đảng Cộng hòa bắt đầu từ Ronald Reagan, người đã đề xuất hệ thống vũ khí chống tên lửa trên không gian hay còn được biết đến với cái tên “Chiến tranh giữa các vì sao,” đã hăng hái với hệ thống phòng thủ tên lửa hơn những người đảng Dân chủ. Trong những năm gần đây, tuy nhiên, cả hai đảng này lập luận rằng một hệ thống phòng thủ tốt hơn là cần thiết để chống lại các cường quốc hạt nhân mới nổi như Triều Tiên chẳng hạn.

Quan điểm của ông Trump về vấn đề này vẫn chưa được rõ ràng. Chiến lược an ninh quốc gia mà ông công bố hồi tháng 12/2017 đã kêu gọi ưu tiên “tăng cường” hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng cũng nói rằng nó không có ý định phá vỡ các mối quan hệ chiến lược với Nga và Trung Quốc. Mỹ coi kho vũ khí tên lửa của những nước này là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất.

Năm ngoái, ông John Rood - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách về chính sách - đã nhận định rằng một lớp cảm biến theo dấu tên lửa đặt trên không gian sẽ không phải là một thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ hay mối đe dọa an ninh đối với các quốc gia khác như Nga hay Trung Quốc.

"Nó theo dõi, nó phát hiện những thứ khác đang làm gì. Tôi không cho rằng đây là một hành động khiêu khích khi giám sát đường bay của tên lửa mà có khả năng đe dọa đến nước Mỹ," ông Rood đã nói hồi tháng Chín năm ngoái. "Tôi không nghĩ năng lực cảm biến là một sự thay đổi lớn đối với Mỹ," ông nói thêm, nhưng không khẳng định chính quyền Trump có theo đuổi điều này hay không.

Một hệ thống như vậy là khác biệt với ý tưởng khiêu khích khi đặt các thiết bị đánh chặn tên lửa trên vệ tinh ở ngoài không gian và nó sẽ không nằm trong chiến lược của Trump. Quốc hội đã yêu cầu Lầu Năm Góc nghiên cứu nó và một số quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc gần đây nói rằng các thiết bị đánh chặn được đặt trên không gian là khả thi và giá thành hợp lý. Tuy nhiên, ông Rood hồi tháng Chín năm ngoái cho rằng Lầu Năm Góc chưa sẵn sàng thúc đẩy kế hoạch này. "Đó là trở ngại cần phải vượt qua," ông nói.

Ông Daryl Kimball - giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí - nói ông hy vọng báo cáo đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ ủng hộ việc mở rộng vai trò cho hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với một số loại tên lửa nhất định của Nga và Trung Quốc, đặc biệt những loại tên lửa này của họ có thể đe dọa các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu.

Ông Kimball nhấn mạnh: "Điều này có thể khuyến khích họ thúc đẩy các chương trình tên lửa tấn công, như phương tiện siêu thanh, mà có thể qua mặt hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục