Lý do Trung Quốc lại dẫn đầu công cuộc phục hồi kinh tế

Theo trang mạng project-syndicate.org, GDP thực tế của Trung Quốc đã tăng với tỷ lệ 11% hằng năm trong quý 3, sau khi tăng 55% sau đợt phong tỏa trong quý 2.
Lý do Trung Quốc lại dẫn đầu công cuộc phục hồi kinh tế ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, cũng giống như việc Trung Quốc dẫn đầu công cuộc khôi phục kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, họ lại đang đóng một vai trò tương tự hiện nay.

Sự phục hồi hậu COVID-19 của họ đang có thêm động lực trong bối cảnh các nước phát triển vẫn đang lao đao. Thật không may, đây là một viên thuốc đắng đối với nhiều nước, đặc biệt là ở Mỹ, nơi mà làn sóng bài Trung dâng cao.

Tất nhiên hai cuộc khủng hoảng này rất khác nhau. Phố Wall là nơi khởi nguồn của cuộc khủng hoảng năm 2008, trong khi đại dịch COVID-19 lại bùng phát tại các khu chợ ẩm ướt ở Vũ Hán.

Trong cả hai trường hợp, chiến lược ứng phó với khủng hoảng của Trung Quốc hiệu quả hơn nhiều so với chiến lược do Mỹ triển khai.

Trong 5 năm sau cuộc khủng hoảng 2008, tăng trưởng GDP thực tế hằng năm ở Trung Quốc đạt trung bình 8,6% (tính theo sức mua tương đương). Mặc dù tốc độ đó chậm hơn so với tốc độ trung bình 11,6% của thời kỳ bùng nổ và không bền vững của 5 năm trước đó, nhưng tốc độ này cao gấp 4 lần mức tăng trưởng trung bình hằng năm 2,1% của nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2010-2014 hậu khủng hoảng.

Cách phản ứng của Trung Quốc với đại dịch cho thấy kết quả tương đương trong những năm tới. Báo cáo GDP quý 3/2020 cho thấy xu hướng tiền COVID-19 sẽ quay trở lại nhanh chóng. Con số tăng trưởng GDP hàng năm 4,9% thực tế không thể hiện đầy đủ ý nghĩa về sự phục hồi hiện tại ở Trung Quốc.

Việc đo lường tăng trưởng kinh tế hàng quý và chuyển đổi các so sánh đó thành tỷ lệ hằng năm - cách xây dựng ưa thích của các nhà thống kê và hoạch định chính sách Mỹ- mang lại cảm giác rõ ràng hơn nhiều về sự thay đổi thực sự trong động lực cơ bản của bất kỳ nền kinh tế nào.

Trên cơ sở đó, GDP thực tế của Trung Quốc đã tăng với tỷ lệ 11% hàng năm trong quý 3, sau khi tăng 55% sau đợt phong tỏa trong quý 2.

Phản ứng của Trung Quốc đối với COVID-19 hiện nay giống với phản ứng của họ vào năm 2008 khi họ bảo vệ các thị trường tài chính của mình khỏi hiệu ứng của cuộc khủng hoảng. Mục tiêu khi đó rất rõ ràng ngay từ đầu: Giải quyết nguồn gốc của cú sốc chứ không phải là thiệt hại mà cú sốc gây ra. Gói kích thích tài chính trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (596,4 tỷ USD) của năm 2008-2009 mang lại tác dụng vì Trung Quốc đã có những hành động mạnh mẽ để bảo vệ thị trường của mình khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng.

Cách tiếp cận của Trung Quốc ngày nay cũng tương tự: Đầu tiên, cách ly công dân của mình khỏi sự lây lan mầm bệnh nguy hiểm bằng các biện pháp y tế hà khắc nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, sau đó sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa một cách hợp lý để củng cố sự phục hồi hậu phong tỏa.

Điều này rất khác so với cách tiếp cận được thực hiện ở Mỹ, nơi mà cuộc tranh luận hậu phong tỏa chủ yếu về việc sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ như những công cụ hàng đầu để giải phóng kinh tế, thay vì dựa vào các biện pháp y tế công cộng thắt chặt nhằm ngăn chặn virus lây lan.

[Báo Mỹ nhận định Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới]

Điều này nhấn mạnh sự tương phản rõ nét giữa chiến lược “COVID-19 trước tiên” của Trung Quốc và cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ở Trung Quốc, không giống như Mỹ, không có sự phản kháng chính trị và công khai đối với việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và xét nghiệm ráo riết như những tiêu chuẩn cần thiết của kỷ nguyên COVID-19.

Trong khi đó, Mỹ đang ở giữa làn sóng lây nhiễm thứ ba trong khi Trung Quốc tiếp tục kiểm soát nhanh chóng và hiệu quả các đợt bùng phát mới.

Ví dụ, vào đầu mùa Thu này, khoảng 9 triệu công dân ở Thanh Đảo đã được xét nghiệm chỉ trong 5 ngày sau một đợt bùng phát tương đối nhỏ ảnh hưởng đến chưa đầy 20 cư dân.

Ngược lại, Tổng thống Trump coi trải nghiệm mắc COVID-19 của ông như một biểu tượng dũng cảm, thay vì như một lời cảnh báo về những gì có thể ở phía trước.

Trong bối cảnh đó, kết quả GDP ấn tượng của Trung Quốc trong quý 3 thậm chí còn tương phản rõ nét hơn tình trạng bấp bênh thời hậu phong tỏa của nền kinh tế Mỹ.

Thị trường lao động Mỹ đang đứng trước tình hình khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp quốc gia ở mức 7,9% trong tháng 9/2020, cao hơn gấp đôi mức 3,5% trước đại dịch - khiến nền kinh tế dựa vào tiêu dùng của Mỹ có nguy cơ giảm tốc cao.

Tác động kép của làn sóng COVID-19 mới với cuộc tranh luận chính trị bùng phát trở lại về một gói cứu trợ tài chính đã dập tắt các động cơ vốn từ lâu thúc đẩy sự phục hồi kinh tế ở Mỹ.

Trong khi mức tăng trưởng 11,2% (hằng năm) của Trung Quốc trong quý 3 năm nay được củng cố hiệu quả nhờ khả năng hồi phục hậu phong tỏa, một số dấu hiệu yếu kém còn tồn tại rõ ràng ở một số phân khúc chính của dịch vụ tiêu dùng, cụ thể là du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí.

Đối với những người không muốn tập trung vào việc ngăn chặn COVID-19, như Mỹ, cái bóng của COVID-19 cho thấy mối nguy hiểm của một cuộc suy thoái kép. Đó chính xác là những gì đã xảy ra sau 8 trong số 11 cuộc suy thoái gần nhất của Mỹ. Sự tương phản với sự phục hồi của Trung Quốc hiện nay rất rõ ràng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục