Lý do Trung Quốc lo ngại về 'tam giác sắt' Nhật-Mỹ-Australia

Cuộc điện đàm của Thủ tướng Australia với tân Thủ tướng Nhật Bản đã làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh về việc Tokyo và Canberra hình thành “tam giác sắt cùng với Washington” ở châu Á-Thái Bình Dương.
Lý do Trung Quốc lo ngại về 'tam giác sắt' Nhật-Mỹ-Australia ảnh 1Trung Quốc lo ngại về cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Australia Scott Morrison và tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật báo The Australian đưa tin cuộc điện đàm của Thủ tướng Australia Scott Morrison với tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh về việc Tokyo và Canberra hình thành “tam giác sắt cùng với Washington” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật báo trên dẫn bài phân tích đăng trên trang web của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết có “những tác động sâu sắc” trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút vào đêm 20/9 giữa Thủ tướng Australia Morrison và người đồng cấp Nhật Bản Suga, theo đó “đã thu hút sự chú ý sát sao trong giới chính sách quốc tế."

Trong bài viết của tác giả Lyu Yaodong, chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một cơ quan có tầm ảnh hưởng đối với Chính phủ Trung Quốc, cho rằng cuộc điện đàm giữa ông Suga và ông Morrison - được thực hiện trước cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã thể hiện rằng Nhật Bản và Australia có chung nhận thức về sự suy giảm quyền lực của Mỹ so với Trung Quốc.

[NHK: Các ngoại trưởng “Bộ tứ Kim cương” sắp nhóm họp ở Tokyo]

Bài viết của Lyu lưu ý: “Khi Washington trở nên ít ảnh hưởng hơn ở châu Á-Thái Bình Dương, Tokyo và Canberra phải khẳng định lại tầm quan trọng trong khu vực và cùng nhau ngăn chặn nguy cơ liên minh của họ với Mỹ sẽ trở thành một cái vỏ rỗng."

Tokyo và Canberra đã nhiều lần xác nhận mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ giữa hai nước kể từ khi nhà lãnh đạo Shinzo Abe, người tiền nhiệm của ông Suga, bất ngờ từ chức vào cuối tháng Tám vì lý do sức khỏe.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi sau khi ông này được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Nhật Bản.

The Australian hôm 22/9 cũng đưa tin Tokyo và Canberra đang lên kế hoạch để Thủ tướng Morrison sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trên thế giới gặp tân Thủ tướng Suga, dự kiến vào cuối tháng 11 tới.

Cuộc gặp giữa hai đồng minh của Mỹ - có thể bị trì hoãn đến tháng 1/2021 vì lý do chính trị trong nước và các hạn chế đi lại do ảnh hưởng của COVID-19 - chắc chắn sẽ được Bắc Kinh theo sát.

Tin tức trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản gần đây cho biết ông Suga sẽ có cuộc nói chuyện đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 25/9.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền mới của Nhật Bản sẽ tiếp bước những chính sách của ông Abe.

Dự kiến một cuộc họp trực tiếp của 4 ngoại trưởng các nước thuộc nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ được tổ chức tại Tokyo vào đầu tháng 10 tới.

Nhà nghiên cứu Lyu cho biết bản tóm tắt cuộc điện đàm giữa ông Suga và ông Morrison do Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra cho thấy Nhật Bản và Australia sẽ hướng đến quan hệ đối tác quốc phòng “chặt chẽ và thường xuyên hơn,” sẽ “cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông,” đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng đối với hai quốc gia trong việc định hình vai trò của nhóm Quad cùng với Mỹ và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, cuộc điện đàm cũng cho thấy ông Suga “có ý định hình thành tam giác sắt với Washington và Canberra để củng cố khả năng kiểm soát địa chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, chính quyền Trump ngày càng lớn tiếng trong việc coi mạng lưới liên minh hiện nay như một lợi thế chiến lược quan trọng trước Trung Quốc.

Trong cuộc thảo luận trực tuyến do Viện Nghiên cứu Macdonald-Laurier của Canada tổ chức trong tuần này, cố vấn chính sách gốc Hoa của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Miles Yu cho biết một “liên minh các nền dân chủ” đang hình thành để chống lại mối đe dọa Trung Quốc.

Ông Miles Yu nhấn mạnh: “Nhật Bản, Australia, Anh, Canada, EU, NATO và các quốc gia thuộc khối ASEAN chia sẻ những giá trị giống nhau,” đồng thời khẳng định “Trung Quốc không đáng tin cậy”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục