Ly kỳ những "thủy dân" tí hon cứu người trong lũ dữ

Ở sâu rốn lũ Hà Tĩnh, có rất nhiều những "thủy dân" tí hon sẵn sàng lao mình vào dòng nước ngầu đỏ để cứu người thoát khỏi thủy thần.
Có vào sâu rốn lũ Hà Tĩnh, có nghe những câu chuyện thắt lòng của những người được cứu bên ranh giới của sự sống và cái chết, chúng tôi mới nhận ra, dọc những dòng sông đất Việt còn có rất nhiều người anh hùng thầm lặng.

Trong số ấy, có rất nhiều những "thủy dân" tí hon cũng sẵn sàng lao mình vào dòng nước ngầu đỏ để cứu người.

Ngồi trong căn nhà tan hoang ngập mấy phân bùn, mặc dù chưa hết bàng hoàng, nhưng bà Lê Thị Đào và ông Nguyễn Đình Lộc (xóm 2, xã Hương Đô, Hương Khê) vẫn tấm tắc khen hai em Nguyễn Đức Hoàng và Trần Văn Đạt.

“Nếu không có chúng hắn, chắc chúng tôi đã không còn nữa,” bà Đào bảo.

Chỉ tay vào một lỗ hổng lớn trên tường, ông Lộc kể lại, sáng ngày 18/10, theo mưa, nước từ sông Ngàn Sâu sát mé nhà ào ào dâng lên rồi xói thẳng vào. Chỉ chừng một giờ sau, toàn bộ căn nhà lá đã ngập sâu trong hơn một mét nước. Mặc dù đã chuẩn bị trước cho mình hẳn hai chiếc quan tài sơn đỏ phòng khi nằm xuống, nhưng cặp vợ chồng già vẫn không muốn mình vùi thân trong nước.

“Lúc ni, chúng tôi chỉ còn biết bắc thang ngồi lên tràn nhà [nóc nhà] chứ nỏ biết đi mô,” ông Lộc nói.

Nước mỗi lúc một lớn. Tràn nhà lại bị gió lay dữ dội, chỉ muốn đổ sập xuống lòng nước đỏ ngầu. Đúng lúc tưởng hy vọng đã hết thì từ phía xa, cặp vợ chồng già gần 80 tuổi ấy bỗng thấy một con thuyền dài hơn 8m lừ đừ vượt lũ dữ tiến lại gần.

Nhớ lại thời khắc ấy, ông Lộc và bà Đào cứ thi nhau nói. Rằng, trên mảng gỗ tròng trành trong sóng dữ ấy, ngoài người đàn ông chèo đò chừng 40, hai đứa trẻ khác cũng chống sào, đưa cả đoàn từ từ tiến lên. Rằng, "khổ thân chúng hắn, mưa thế ni, nỏ chỗ nào không ướt."

Khi nghe chúng tôi kể lại những lời khen của hai cụ già được cứu, Nguyễn Đức Hoàng và Trần Văn Đạt chỉ cười và đỏ mặt. Được một lát, Hoàng mới bảo, sáng hôm ấy, đứng từ trên nhà, em thấy nước dâng nhanh, chẳng mấy chốc đã ngập xóm dưới. Ở đó, ông Lộc và bà Đào vẫn hay cho em khi cuốn vở, khi tấm bánh làm quà.

“Lúc ấy, em chỉ nghĩ nếu không cứu, chắc ông bà không sống được mất, nên rủ Đạt cùng đi thuyền sang giúp,” Hoàng thành thật.

Với sự giúp sức của bố, Hoàng cùng bạn lao mình vào cơn lũ dữ. Đoạn đường ngày ngày xuống xóm chỉ dăm bước chân giờ hun hút trong dòng nước xoáy. Thuyền chồ lên được một đoạn, lại bị sóng đánh dạt sang bên. Mất chừng 30 phút, ba “thủy dân” mới đến được tràn nhà nơi hai cụ đang ngồi.

Lúc này, căn nhà lá đã chực đổ nghiêng theo dòng Ngàn Sâu hung hãn. Để cứu được cặp vợ chồng thất thập cổ lai hy ấy, trong đoàn buộc phải có một người “nhẹ cân” trèo lên tràn đỡ các cụ xuống. Nhưng, không thể trực tiếp từ lòng thuyền mà lên tràn vì mái nhà được lợp bằng cỏ gianh, dưới nước mưa trở nên trơn tuồn tuột.

Nghĩ mãi, cuối cùng Hoàng nhờ bố và Đạt chống sào, neo thuyền vào một ngọn cây gần đó rồi nhảy tũm xuống, gắng sức bám vào cây kèo còn chắc. Đoạn, cậu học sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Hương Đô bơi thẳng vào trong gian nhà, trổ mái đi lên.

Khi lên tới tràn, Hoàng thấy hai cụ đã run lên vì lạnh, toàn thân sũng nước. Em nhanh chóng đỡ hai người xuống thuyền rồi cùng cha đưa họ về chính nhà mình.

Cũng trong sáng ngày 18/10 ấy, Hoàng và Đạt cùng bố cũng đã cứu thêm các bà Nguyễn Xuân Yên, Nguyễn Thị Thủy và ông Trần Văn Hiển cùng thôn. Ngoài ra, trong suốt đợt lũ lịch sử, hai cậu bé cũng là những “cấp dưỡng, hậu cần”, mang cơm nhà nấu cho khắp các hộ bị cô lập tại xóm 9, xã Hương Đô, Hương Khê.

Cũng tại xã Hương Đô, bản hùng ca của những “thủy dân” tí hon được nối dài với câu chuyện của em Nguyễn Ngọc Hậu, 12 tuổi tại xóm 7.

Trong trận lũ ngày 18/10, Hậu cùng anh và bố mẹ bị “giam” cứng trên tràn nhà ngay sát bờ bồi sông Ngàn Sâu. Hậu đã được một phen hoảng hồn bởi ngay sau khi được lái đò Võ Ngọc Sơn ở xóm 7 của xã cứu thì căn nhà em và gia đình vừa trú ngụ bị hàng trăm khúc gỗ lớn từ thượng nguồn lao vào, phá sập. Nhưng, sau giây phút ấy, Hậu lại không cùng bố mẹ lên xóm trên trú bão. Em kiên quyết ở lại cùng con đò nhỏ, làm nhiệm vụ chỉ đường và tát nước cho con đò không bị nhấn chìm giữa biển nước mênh mông.

Em bảo, khi ấy, em chỉ nghĩ đến bạn bè vẫn còn trên những tràn nhà, đường vào xóm em cũng nắm rõ nên em xin đi cùng chú lái.

Nhờ có sự trợ giúp của Hậu, con đò Hương Đô đã luồn lách vào sâu được xóm 2, cứu hơn 30 người khỏi dòng Ngàn Sâu trái tính.

Cơn lũ qua đi. Trời Hương Đô lại vắt xanh một màu. Những "thủy dân" bé nhỏ cũng trở về thu dọn lại căn nhà xiêu vẹo đã ngập đầy phù sa sau lũ. Và, một cách giản đơn và lặng thầm nhất, bản anh hùng ca về những người anh hùng bình dị bên khúc Ngàn Sâu, Hà Tĩnh lại được nối thêm một chương dài bất tận./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục