"Made in China 2025" là chính sách thương mại không công bằng?

Made in China 2025 là một chỉ thị chiến lược được Chính phủ Trung Quốc đưa ra vào năm 2015 nhằm cập nhật cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước trong thập kỷ tới.
"Made in China 2025" là chính sách thương mại không công bằng? ảnh 1Lắp ráp xe ôtô tại Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Liệu chiến lược Made in China 2025 của Trung Quốc có phải là chính sách thương mại không công bằng?

Shang-Jin Wei, nguyên kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện là giáo sư về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc và là giáo sư Tài chính và Kinh tế Đại học Columbia đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này.

Bản dịch bài viết của chuyên gia Shang-Jin Wei được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Quan điểm trong bài là của tác giả.


Trong tuyên bố loan báo vòng áp thuế trừng phạt lần thứ hai đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã lôi kế hoạch "Made in China 2025" của Chính phủ Trung Quốc ra coi đây là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ và là một bằng chứng rõ ràng về những hành vi thương mại "không công bằng" (của Trung Quốc).

Liệu có gì xác đáng trong lập luận của ông Trump không? Và điều quan trọng không kém, liệu kế hoạch nói trên có lợi cho Trung Quốc và thế giới không?

Made in China 2025 là một chỉ thị chiến lược được Chính phủ Trung Quốc đưa ra vào năm 2015 nhằm cập nhật cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước trong thập ký tới. Kế hoạch này bao gồm 5 mục tiêu ưu tiên chủ chốt.

Ưu tiên đầu tiên là thúc đẩy và tăng tốc việc đổi mới sáng tạo, cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ rằng mô hình tăng trưởng trước đây, với việc dựa vào nhân công rẻ mạt, giờ đây đã hoàn toàn hết hơi.

Ưu tiên thứ hai là cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ưu tiên thứ ba và thứ tư là nâng mức độ "xanh" hay những kỹ thuật sản xuất và năng lượng tái tạo bền vững về môi trường, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu các ngành công nghiệp và công ty.

Ưu tiên cuối cùng là đầu tư vào nguồn vốn con người và phát triển tài năng.

Quan điểm của Trung Quốc về những mục tiêu này vừa là điều đáng mong muốn vừa là việc làm cần thiết. Trước hết, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và tình trạng thiếu hụt lao động (do đang trong thời kỳ quá độ về nhân khẩu học không thuận lợi) đã dẫn đến việc lương bổng ở Trung Quốc tăng vọt, vượt xa những quốc gia đang phát triển khác như Bangladesh, Ấn Độ, và Việt Nam.

Để biến Trung Quốc trở thành một quốc gia có thu nhập cao, nước này cần phải chuyển đổi sang một mô hình kinh tế mà nó nhấn mạnh đến việc đổi mới, tăng năng suất lao động, và sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Thứ hai, các công ty Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với những hàng rào ngăn cản việc họ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Mỹ cũng như vào việc mua những bộ phận thiết bị có hàm lượng công nghệ cao từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.

Điều này dẫn tới việc nhiều người Trung Quốc tin rằng trừ phi họ tạo ra những công ty và chuỗi cung ứng công nghệ cao của riêng mình, nếu không nước này sẽ không có cách nào để đạt tới tầm là quốc gia có thu nhập cao.

Tại Mỹ cũng như Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận thức được cái mà giáo sư chính trị Graham Allison Đại học Harvard gọi là “Bẫy Thucudides” (cụm từ thường được giới học giả dùng để mô tả hiểm họa tiềm tàng của một cuộc xung đột giữa một cường quốc với một cường quốc đang nổi lên), theo đó gợi ý rằng khi một cường quốc đang nổi như Trung Quốc gặp phải một bá quyền như Mỹ, xung đột quân sự là điều khó tránh khỏi.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều người Trung Quốc đã đi đến chỗ coi những lời tố cáo của Mỹ "về những hành vi không công bằng" chỉ là cái cớ để Mỹ làm những điều mà nước này sẽ làm bất kể như thế nào đi chăng nữa: đó là cản trở hay ngăn chặn trước việc Trung Quốc nổi lên vị trí chi phối kinh tế toàn cầu.

[Trung Quốc giảm tác động tiêu cực từ xung đột thương mại với Mỹ]

Một điều chắc chắn là Made in China 2025 về thực chất là một chính sách công nghiệp. Tuy nhiên các chính sách công nghiệp không nhất thiết là "thiếu công bằng" hay không tương hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trên thực tế, chính khái niệm phát triển do nhà nước chỉ đạo thực ra là do Mỹ sáng tạo ra cách đây trên 200 năm, khi Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ, kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ việc sản xuất thông qua thuế khóa và các chính sách khác.

Kể từ đó, các chính quyền Mỹ đã đổ những khoản trợ cấp khổng lồ để tài trợ cho việc đổi mới sáng tạo thông qua các bộ tài chính, quốc phòng, và năng lượng, cũng như National Science Foundation (NSF - là cơ quan thuộc chính phủ Mỹ khuyến khích và bảo trợ cho các nghiên cứu khoa học, các dự án kỹ thuật...).

Chiến lược Công nghiệp 4.0 của Chính phủ Đức cũng là một nguồn khởi hứng trực tiếp cho kế hoạch của Trung Quốc.

Chỉ thị 2015 của Chính phủ Trung Quốc nêu rõ rằng "nguyên tắc cơ bản" thứ nhất của Made in China 2025 là "để thị trường dẫn đường và chính phủ chỉ đạo."

Chỉ thị cũng quy định rằng thị trường sẽ đóng một vai trò có tính chất quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, và rằng chính phủ phải "chủ động đổi mới vai trò của mình (từ can thiệp trực tiếp) sang chỗ nghiên cứu chiến lược và chỉ đạo thực hiện, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp."

Không thấy đề cập gì đến sự phân biệt của chính phủ dựa trên quốc tịch của công ty, cũng như không thấy có lời lẽ nào về việc buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Vấn đề là chính sách này được thực hiện như thế nào trong bối cảnh chung.

Kế hoạch kêu gọi phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao được cho là có tầm quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai, và đề ra một loạt mục tiêu cho từng chặng 2015, 2020, và 2025.

Những mục tiêu chuẩn được đưa ra bao gồm khoản tiền chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm bao nhiều phần trăm thu nhập, số lượng bằng phát minh được đăng ký, tỷ lệ phủ sóng băng thông rộng, tỷ lệ tự động hóa, giảm việc sử dụng năng lượng trên quy mô lớn cũng như khí thải CO2, và nhiều thứ khác nữa.

"Made in China 2025" là chính sách thương mại không công bằng? ảnh 2Sản xuất thép tại một nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Xem lại những chỉ thị kinh tế tương tự như vậy ở Trung Quốc trong quá khứ cho thấy rằng nhà cầm quyền thường thất bại đối với nhiều mục tiêu đề ra.

Trên thực tế, nghiên cứu của tôi cho thấy các chính sách trợ cấp công nghiệp của chính phủ Trung Quốc đặc biệt là không có hiệu quả.

Nếu chính phủ can thiệp ít hơn và cho phép các công ty tư nhân trong nước được cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng, chắc chắn lĩnh vực sáng tạo sẽ được đẩy mạnh trên thực tế.

Mặt khác, nếu chính phủ vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến việc phải chủ động hơn nữa, tốc độ theo kịp Mỹ về kinh tế có khả năng sẽ chậm đi.

Trên nguyên tắc, các chính sách công nghiệp được thiết kế tốt có thể giúp điều chỉnh một số thất bại của thị trường và giúp các quốc gia đạt được hiệu quả cao hơn và thu được những kết quả bình đẳng hơn về mặt xã hội, đây là điều mà WTO không ngăn cấm.

Tuy nhiên, WTO cấm việc đối xử mang tính chất phân biệt giữa công ty trong nước và công ty do nước ngoài sở hữu. Chừng nào Made in China 2025 hỗ trợ một số khu vực trên cơ sở không phân biệt quốc tịch công ty tham gia, thì kế hoạch này là phù hợp với những quy định của WTO. Còn việc nó có hiệu quả hay không là một vấn đề khác.

Nếu Trung Quốc nghi ngờ rằng các nước khác đang theo đuổi một chiến lược ngăn chặn nhằm cản trở nỗ lực phát triển công nghệ của mình, thì quyết tâm của nước này đi đến cùng với Made in China 2025 sẽ chỉ mạnh mẽ hơn nữa mà thôi.

Ngoài ra, có khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ ngả theo xu hướng hỗ trợ cho những doanh nghiệp mà họ có ảnh hưởng mạnh mẽ như các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước chẳng hạn. Hậu quả của điều này sẽ là có ít kết quả đáng hài lòng hơn cũng như ít sự đổi mới sáng tạo hơn cho cả Trung Quốc và thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục