Malaysia ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ đầu dịch

Trong ngày 8/2, Malaysia đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ đầu dịch với 24 ca, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 896 người.
Malaysia ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ đầu dịch ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Petaling Jaya, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn nguồn Bộ Y tế Malaysia cho biết trong ngày 8/2, nước này đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ đầu dịch với 24 ca, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 896 người.

Cùng ngày, Malaysia ghi nhận thêm 3.100 người dương tính với virus SARS-Cov-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 245.552 người.

Hiện Malaysia có 51.977 ca đang được điều trị tại các bệnh viện và các trung tâm cách ly.

[Malaysia nới lỏng quy định phòng dịch COVID-19 vào dịp Tết Nguyên Đán]

Theo Tiến sỹ Ummirul Mukmimin Kahar tại Viện Nghiên cứu gene di truyền Malaysia, thuộc Viện Công nghệ Sinh học Quốc gia Malaysia (NIBM), cần 1 năm để đạt được miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-Cov-2 thông qua Kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vắcxin COVID-19.

Nhà khoa học này cho rằng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, 80% dân số Malaysia cần được tiêm chủng.

Quốc gia Đông Nam Á này sẽ nhận lô vắcxin của Pfizer/BioNTech vào cuối tháng 2 và những người làm việc tại tuyến đầu sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm vắcxin.

Kế hoạch tiêm vắcxin sẽ được chia thành ba giai đoạn và kéo dài tới tháng 2/2022. Ông cho biết việc tiêm chủng sẽ được thực hiện tại 600 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc dưới sự giám sát của Bộ Y tế, các bệnh viện cùng các trường đại học.

Ngoài sản phẩm của Pfizer/BioNTech, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia (NPRA) thuộc Bộ Y tế Malaysia đã phê chuẩn các loại vắcxin do AstraZeneca/Đại học Oxford, Sinovac Biotech và Viện nghiên cứu Gamaleya sản xuất.

Hiện chương trình thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng COVID-19 giai đoạn 3 của Malaysia đã được triển khai từ ngày 21/1.

Bộ Y tế nước này cho hay có 990 tình nguyện viên đã đồng ý tham gia, trong đó 208 người đã được tiêm liều vắcxin đầu tiên hoặc giả dược và đang tiếp tục tìm kiếm thêm tình nguyện viên.

Cùng ngày 8/2, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài thêm 2 tuần, tới ngày 22/2 tới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19, ông Wiku Adisasmito nói: “Về nguyên tắc, tất cả người nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh vào Indonesia."

Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ gồm những người cư trú dài hạn, những người đến từ các quốc gia có thỏa thuận hành lang đi lại với Indonesia và những người được các bộ hoặc cơ quan Indonesia cấp phép đặc biệt vẫn được phép nhập cảnh song phải áp dụng các quy trình y tế, bao gồm thời gian cách ly 5 ngày.

Ông Adisasmito cho hay các quan chức chính phủ từ cấp bộ trưởng trở lên mang hộ chiếu công vụ hoặc ngoại giao, cũng như các trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Indonesia và gia đình của họ đều không bị cách ly.

Hồi tháng 12/2020, Chính phủ Indonesia đã cấm những người nước ngoài nhập cảnh, ngoại trừ các quan chức cấp bộ và những người cư trú dài hạn, sau khi xuất hiện các biến thể mới dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết trong dịp Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ cuối tuần từ ngày 12-14/2 tới, viên chức, công chức, binh sỹ và cảnh sát sẽ bị cấm ra khỏi các thành phố.

Ngày 8/2, Indonesia ghi nhận thêm 8.242 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc bệnh tại quốc gia này lên 1.652.958 ca, cao nhất ở Đông Nam Á, trong đó 31.763 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục